Qua các hội thảo, TP.HCM đã hoàn thiện đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề án đã làm rõ được các yếu tố về tác động đến môi trường, văn hóa, cạnh tranh, đóng góp cho kinh tế - xã hội như thế nào cho TP.HCM và khu vực.
Đề án cũng nêu rõ những điều kiện phù hợp mà khu vực Cần Giờ đáp ứng được để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế.
Về mặt quy hoạch, cảng trung chuyển Cần Giờ đều được các nghị quyết nêu và đề cập tầm quan trọng, cần thiết phải xây dựng.
Mới nhất trong nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng nhấn mạnh "Dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thuộc ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến Iược vào TP".
Bên cạnh đó Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng định hướng và giao nhiệm vụ nghiên cứu triển khai thực hiện. Trung ương nhận định việc này rất cần thiết và giao các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia, quy hoạch chung TP.HCM, các đồ án quy hoạch liên quan.
Về địa lý, vị trí dự kiến xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Hiện nay, hàng hóa tại các quốc gia trong khu vực chủ yếu được trung chuyển tại Singapore hay Malaysia.
Với năng Iực khai thác của ba trung tâm trung chuyển chính của khu vực hiện tại là khoảng 70,86 triệu Teu (Teu tương đương container 20 feet).
Cụ thể Singapore hàng trung chuyển quốc tế đạt 31,85 triệu Teu, Tanjung Pelepas đạt 10,67 triệu Teu, Port Klang đạt 8,39 triệu Teu. Cộng thêm 100% công suất thiết kế giai đoạn 1 mới đưa vào khai thác của cảng Tuas Singapore khoảng 20 triệu Teu.
Như vậy, dư địa để phát triển các cảng trung chuyển quốc tế mới trong khu vực còn khoảng 12,8 triệu Teu vào năm 2030. Dự báo tăng lên 32,6 triệu Teu vào năm 2040 và 52,3 triệu Teu vào năm 2050.
Con số này cho thấy cơ hội rất lớn cho các cảng trung chuyển mới, trong đó có Cần Giờ, Cái Mép và các cảng ở khu vực Đông Nam Á. Do đó nếu chậm trễ, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội này.
Ngoài các yêu cầu về vị trí địa lý chiến Iuợc, điều kiện tự nhiên thuận lợi, yếu tố quan trọng để hình thành, thì việc có sự quan tâm của hãng tàu lớn trên thế giới, tham gia hợp tác, đầu tư, khai thác cảng, dịch chuyển nguồn hàng từ các nước là rất quan trọng.
Thực tế thời gian qua Hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) đang rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đơn vị này đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam (Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn) nghiên cứu đầu tư.
Mới đây nhất, trong hội nghị của Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 2 ngày 26-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đặc biệt dành thời gian nói về dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo Thủ tướng, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng bao gồm cảng Cái Mép và Cần Giờ, không phải Cái Mép riêng, Cần Giờ riêng. Hai cảng này sẽ kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước.
"Khi đưa ra một chủ trương lớn, vượt tầm, có tính chất đột phá, xoay chuyển tình thế không thể có sự đồng thuận hết, mà nếu chờ đồng thuận hết thì chẳng bao giờ làm được" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẩn trương bổ sung quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Bộ Giao thông vận tải đang khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó sẽ cập nhật quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo nghị quyết 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận