Cùng với hạn chế đi lại, TP.HCM đã thay đổi cách xét nghiệm nhằm truy vết F0 trong 15 ngày - Ảnh: DUYÊN PHAN
Trong thời gian này nếu nơi nào tổ chức lấy mẫu tập trung đông người, vi phạm chỉ thị 16 là rất đáng tiếc. Chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người nơi công cộng nên lấy mẫu tập trung 5, 7 người là sai.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại nhà. Thông tin được đưa ra từ cuộc họp trực tuyến triển khai phát động thi đua cao điểm thực hiện công văn số 2279 và kế hoạch thực hiện điều phối xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM ngày 9-7.
Cụ thể, phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết TP sẽ tiến hành lấy mẫu gộp PCR tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, lấy mẫu kháng nguyên nhanh tại chỗ theo hộ gia đình, mỗi gia đình đều được lập danh sách lấy mẫu đại diện.
Gia đình dưới 5 người thì chọn 1 người, gia đình có từ 5 người trở lên thì chọn 2 người hay tiếp xúc với cộng đồng để xét nghiệm. Ông Nam cũng cho biết Sở Y tế sẽ phân bổ cho các quận, huyện khoảng 6.000 - 7.000 test nhanh/ngày.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế cho biết tổng công suất xét nghiệm PCR đang được gia tăng hằng ngày. Với các khu phong tỏa, ngành y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm lặp lại 2-3 ngày/lần. Nơi nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm lặp lại 5-7 ngày/lần.
Ông Phan Văn Mãi cho biết trong thời gian thực hiện chỉ thị 16, không tập trung đông người nên phải có đội lấy mẫu đến từng hộ gia đình lấy mẫu.
Người lấy mẫu xong chỉ ở nhà, nếu phát hiện F0 thì đưa đi điều trị, còn F1 sẽ cách ly tại nhà; người trong nhà phải cách ly với nhau. Trong 15 ngày giãn cách, không có chuyện nhà này đi sang nhà khác và cứ 2-3 ngày phải xét nghiệm trở lại các gia đình này.
Ông Mãi yêu cầu các địa phương thông báo cho người dân nếu có biểu hiện ho, sốt phải liên hệ để đội xét nghiệm lưu động lấy mẫu tại nhà. Điều này sẽ giảm áp lực cho các bệnh viện.
Theo phó bí thư thường trực, mục tiêu xét nghiệm trong 15 ngày tới là cơ bản tầm soát hết F0 để tách ra khỏi cộng đồng nhằm kiểm soát địa bàn, xây dựng vùng an toàn, thu hẹp và hướng tới xóa vùng nguy cơ cao. Để đạt mục tiêu này, công tác xét nghiệm phải trọng tâm, trọng điểm, phân theo từng khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, có nguy cơ và bình thường mới.
Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu công tác lấy mẫu của các địa phương phải gắn liền với năng lực xét nghiệm. Khu vực đã lấy mẫu cần nhanh chóng xét nghiệm, trả kết quả để lập và kiểm soát vùng có nguy cơ, không để xảy ra tình trạng không xét nghiệm kịp dẫn đến tồn đọng mẫu hoặc hư mẫu xét nghiệm.
Người dân phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tổng đài 1022 giải đáp mọi thắc mắc
Ngày 9-7, TP đã lập Bộ chỉ huy chiến dịch trực 24/24 giờ có bộ phận thường trực và tổng đài 1022 sẽ tiếp nhận, phản hồi các ý kiến thắc mắc của người dân. Qua hệ thống này, người dân có nhu cầu xét nghiệm không cần gọi cho quận huyện, có thể gọi cho tổng đài 1022.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận