Thông tin được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nêu tại phiên họp kinh tế xã hội tháng 8, tổ chức sáng 4-9.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết việc hình thành Trung tâm hành chính công một cấp ở cấp tỉnh là việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về cải cách hành chính. Đặc biệt, nghị quyết của Chính phủ đã chọn ra bốn địa phương, trong đó có TP.HCM thực hiện thí điểm xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công.
Theo ông Hoan, thực tiễn ở Quảng Ninh và Hà Nội cũng đã hình thành Trung tâm phục vụ hành thành công cấp tỉnh và mở rộng ra cấp huyện.
Riêng đối với TP.HCM, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị của TP Thủ Đức đã cho phép thành lập Trung tâm hành chính công của TP Thủ Đức. Trung tâm phục vụ hành chính công này được UBND TP Thủ Đức, chủ tịch UBND TP Thủ Đức ủy quyền thêm một số nhiệm vụ về thủ tục hành chính do chủ tịch UBND TP Thủ Đức ban hành. Bản chất của trung tâm nhằm phục vụ hành chính công, chứ không chỉ giải quyết hành chính công trực tuyến.
Nói về việc thành lập Trung tâm hành chính công TP.HCM, ông Hoan thông tin TP sẽ hình thành trung tâm một cấp, để áp dụng hệ thống quản trị trên mạng, theo dõi, giám sát quá trình thực hiện thủ tục hành chính công cho người dân.
Khi trung tâm hình thành, người dân ở đâu cũng có thể được phục vụ. TP sẽ tinh gọn bộ máy để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhanh hơn và đáp ứng được yêu cầu tốt hơn.
Theo lãnh đạo TP, đề án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 hình thành Trung tâm phục vụ hành chính công TP gồm có chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh quận, huyện và TP Thủ Đức; 24 điểm tiếp nhận của các sở và 312 điểm tiếp nhận ở phường xã, thị trấn. Trong giai đoạn một này, chi nhánh trung tâm mới khởi động để chuẩn bị hoạt động.
Giai đoạn 2, trung tâm sẽ thay thế tất cả các điểm tiếp nhận của các sở, tất cả đều tập trung về chi nhánh trung tâm, tiếp nhận một cửa tại chỗ. Khi đó các sở không phải bố trí bộ phận tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận. Riêng các chi nhánh ở quận, huyện và TP Thủ Đức có thể xem xét thành từng nhóm, từng khu vực, chứ không phải tất cả các địa phương đều phải có chi nhánh.
“Bây giờ thực hiện việc này không đơn giản, nhất là công tác phân loại cái nào đưa về để tập hợp giải quyết, cái nào để ở dưới giải quyết, tốt nhất phải đưa ra một số quy tắc”, ông Hoan nói.
Cụ thể, người dân ở đâu sẽ được phục vụ hành chính ở đó, có nghĩa sẽ có phân luồng theo phường, xã. Tuy nhiên trong những trường hợp đặc biệt, TP đề ra một danh mục các trường hợp không cần về nơi ở hiện tại để đăng ký mà TP vẫn tiếp nhận, sẽ không có sự xáo trộn lớn về mặt thủ tục và cách vận hành.
TP sẽ đưa ra danh mục những nội dung thủ tục hoàn thiện về mặt tiến trình, trực tuyến toàn trình, với những hồ sơ này TP sẽ tiếp nhận ngay. Còn những thủ tục rườm rà, nhiều hồ sơ khác nhau vẫn sẽ tiếp nhận như cũ với hướng chung từng bước đơn giản hóa thủ tục.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng trung tâm có thể phát sinh vướng mắc, lãnh đạo TP yêu cầu thông qua cơ chế quản lý của các trung tâm này với cơ chế phối hợp giữa các địa phương, các ngành cần có sự phối hợp để xử lý. TP sẽ làm từng bước, thận trọng, không để xảy ra sơ sót.
Phấn đấu vận hành vào năm 2025
Trước đó khi dự hội nghị sơ kết 1 năm thành lập Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức tổ chức chiều 23-8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đang làm khẩn trương, đề án về Trung tâm hành chính công TP.HCM đã có và đang chuẩn bị báo cáo Thành ủy, Chính phủ.
Trên cơ sở đồng thuận, TP sẽ triển khai trong tháng 9 và cố gắng vận hành vào đầu năm 2025. Mô hình Trung tâm hành chính công TP.HCM sẽ có cách thức tổ chức, quản lý, một phần nào đó nghiên cứu mô hình của Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận