ĐB Trần Hoàng Ngân trả lời báo chí tại hành lang Quốc hội sáng 12-11 - Ảnh: B.D.
Nếu là ngân sách địa phương thì để địa phương quyết định, nếu là ngân sách trung ương thì một đồng tiền thuế của dân Quốc hội cũng phải cho ý kiến.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)
* Hiện nay TP.HCM và Hà Nội là hai đầu tàu kinh tế chủ lực nhưng dường như đang có tư duy "cào bằng" trong việc phân bổ vốn đầu tư công, chưa được chăm sóc đúng mức?
- Đúng. Nói đến TP.HCM hay Hà Nội là nói đến bộ mặt của quốc gia, không thể coi bình thường như các thành phố khác. Quốc tế cũng chỉ lấy hai thành phố lớn nhất của Việt Nam để đưa vào các bảng xếp hạng toàn cầu.
Đầu tư cho Hà Nội hay TP.HCM chính là đầu tư cho bộ mặt quốc gia, phải tương thích, xứng tầm, cần ưu tiên những hạ tầng có tính lan toả.
* Hiện nay đóng góp vào ngân sách của Hà Nội và TP.HCM rất lớn, trong khi nguồn trích lại để tái đầu tư không tương xứng. Có ví von rằng giống như bắt một người làm với năng suất lớn nhưng cho ăn uống hằng ngày quá ít?
- Năm 2018 TP.HCM tổng thu ngân sách là 376.000 tỉ đồng, chi ngân sách là 82.000 tỉ. Năm 2019 dự toán thu ngân sách gần 400.000 tỉ, chi ngân sách chỉ 78.000 tỉ. Nghĩa là thu tăng nhưng chi lại giảm.
Nhìn con số này có thể thấy mức phân bổ, đầu tư lại so với số tiền mà các thành phố đầu tàu tạo ra là chưa tương thích. Trung ương cũng đã nhận thấy việc này. Đó là lý do tại sao nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM được các đại biểu, các địa phương ủng hộ mạnh mẽ.
Người ta thấy TP.HCM làm ra nhiều tiền mà được trích lại ít nên phải được hỗ trợ bằng cơ chế, chia sẻ. Tuy nhiên điều đó chỉ là tạm thôi chứ cũng chưa đủ, cần tiếp tục tạo thêm những cơ chế khác để TP làm ra nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở tiền.
* Các dự án như cao tốc Bắc Nam, sân bay quốc tế Long Thành có vai trò như thế nào trong việc tạo sức lan tỏa từ dòng vốn đầu tư công?
- Hai dự án này cùng với các dự án giao thông vành đai cần được tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ. Đây là các dự án tạo động lực tăng trưởng, sẽ góp phần lan tỏa, gỡ các nút thắt để thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực, liên vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận