Ông Sơn lý giải TP.HCM là thị trường lớn nhất của công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Muốn nhìn vào tương lai văn hóa Việt Nam, muốn biết xu hướng phát triển văn hóa Việt Nam thì nhìn vào TP.HCM. Bởi 80% doanh thu công nghiệp văn hóa Việt Nam là của TP.HCM.
Công nghiệp văn hóa là đột phá
Ông Sơn nhấn mạnh chúng ta hiện đã có thay đổi quan điểm về sự phát triển văn hóa. Công nghiệp văn hóa đã được xem như một trong những đột phá để phát triển đất nước, là một phần trong sự phát triển bền vững của đất nước, trọng điểm hỗ trợ sự phát triển kinh tế-xã hội.
Nhiều người tham dự tọa đàm đã trăn trở để nhận diện đúng những trụ cột để phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong đó thể chế, cơ chế chính sách được chú ý nhiều, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.
Đạo diễn Lê Quý Dương cho rằng cơ chế chính sách của chúng ta vẫn còn những vấn đề, vướng mắc cho sự phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông nêu ví dụ ở nước ngoài hằng năm nhà nước công khai kinh phí hỗ trợ cho hoạt động nghệ thuật để từ đó những nghệ sĩ tài năng, có tên tuổi đến những người mới bước chân vào làng nghệ thuật đều có cơ hội.
Nghĩa là họ có sáng tạo, dự án nghệ thuật nào đó cứ mạnh dạn trình lên. Sẽ có một hội đồng nghệ thuật thẩm định, dự án nào đủ tiêu chuẩn sẽ được duyệt không phân biệt công lập hay tư nhân.
Cơ chế đó sẽ mở rộng, kích thích khả năng sáng tạo, tạo cơ hội đồng đều để phát hiện các dự án nghệ thuật tốt, tìm ra những nhân tố tốt để phát triển công nghiệp văn hóa.
Con người là trọng tâm
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì chú ý đến việc đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ cho văn hóa - nghệ thuật.
Anh mong Nhà nước nên tạo điều kiện cho các bạn trẻ có tiềm năng được tiếp cận, học tập chuyên nghiệp ở các môi trường quốc tế, sau đó đem về ứng dụng ở Việt Nam.
Quang Dũng bày tỏ Hàn Quốc ở gần chúng ta nhưng độ phát triển về công nghiệp văn hóa thì thuộc dạng tầm cỡ, quá xa chúng ta.
Việt Nam có thể học ở những nước gần hơn, có điều kiện không quá cách biệt với chúng ta, chẳng hạn như Thái Lan. Thái Lan đã hết sức ưu đãi, mở cửa chào đón những đoàn phim quốc tế đến quay phim. Nhiều cảnh trên phim nói là Việt Nam nhưng thực chất là quay ở Thái.
Việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim quốc tế đến quay tại Việt Nam sẽ là môi trường tốt để chúng ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm phim quý giá của họ.
Các nhân lực nghệ thuật Việt Nam không chỉ được học mà còn được trả lương khi tham gia ê kíp của họ. Lợi rất nhiều đường!
Cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là rào cản để phát triển công nghiệp văn hóa. Ông Phạm Đình Tâm đến từ Công ty IME Việt Nam, đơn vị đưa nhóm BlackPink về biểu diễn tại Việt Nam, bày tỏ sự vất vả khi tìm địa điểm.
Ông cho biết các nghệ sĩ quốc tế có yêu cầu về địa điểm biểu diễn ngày càng cao trong khi nơi biểu diễn đạt sức chứa mấy chục ngàn khán giả ở ta khó kiếm, mà có thì cũng xuống cấp, đã xây dựng cả 20 năm.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, khái niệm công nghiệp văn hóa hiểu đơn giản là làm cho các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trở nên chuyên nghiệp hơn và tuân theo đúng quy luật của thị trường.
Chữ "chuyên nghiệp" nên áp dụng đúng, nghiêm túc ở nhiều mặt.
Chẳng hạn, đạo diễn không chỉ làm công tác đạo diễn mà còn phải biết cách xây dựng thương hiệu chương trình đó, làm sao phát triển khán giả cho chương trình đó, làm sao liên kết tất cả mọi thứ lại với nhau…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận