Khởi công dịp 30-4-2025
9h sáng 4-12, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm và ông Trần Bảo Minh - phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Công ty Nutifood) - đã ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.
Chủ tịch Phan Văn Mãi chứng kiến ký tiếp nhận tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn hơn 1.000 tỉ đồng
Theo đó, Công ty Nutifood cam kết thực hiện đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ đảm bảo các quy định và theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công trình triển khai phù hợp với phương án kiến trúc đã được TP phê duyệt vào tháng 10-2023. Toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu đi bộ do Công ty Nutifood chi trả.
Như vậy, trong vòng 7 ngày tới, Công ty Nutifood sẽ trình tiến độ tổng thể triển khai dự án để Sở Giao thông vận tải TP thống nhất làm cơ sở triển khai dự án. Trong vòng 60 ngày, công ty trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư để Sở Giao thông vận tải TP xem xét, trình cấp thẩm quyền chấp thuận.
Công ty Nutifood có trách nhiệm đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết về tài chính, nhân sự, năng lực để tổ chức đầu tư xây dựng cầu đi bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định. Doanh nghiệp tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng có đủ điều kiện, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với loại, cấp công trình được cấp thẩm quyền phê duyệt...
Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp các sở ban ngành hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công ty trong quá trình triển khai dự án. Sau khi hoàn thành, cầu đi bộ được khai thác sử dụng cho mục đích phục vụ cộng đồng, lợi ích công cộng, được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Về tiến độ, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn có kế hoạch khởi công vào ngày 30-4-2025 để chào mừng 50 năm thống nhất đất nước.
Tri ân hàng triệu người tiêu dùng
Ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết tháng 8-2023 sở tiếp nhận đề xuất của Nutifood về tài trợ cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn. Đây là thông tin rất vui và rất phù hợp về tiến trình chỉnh trang khu vực trung tâm mà TP đang chỉ đạo triển khai.
"Đây đầu tiên chúng ta tiếp nhận tài trợ một công trình có quy mô, giá trị lớn nhất cả nước. Công trình nằm ở vị trí quan trọng sẽ là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc, biểu tượng mới của TP. Mặc dù là cầu đi bộ nhưng thiết kế, quy mô, thiết kế rất đặc biệt khác với các công trình đi bộ thông thường.
Sau khi tiếp nhận ý tưởng, tâm huyết của nhà tài trợ, Sở Giao thông vận tải TP đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, thống nhất về các bước, đề xuất TP tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án", ông Lâm nói.
Ông Trần Bảo Minh, phó chủ tịch Nutifood, cho hay việc đề xuất tài trợ cầu đi bộ là "món quà" mà toàn thể cán bộ nhân viên Nutifood đồng lòng tri ân đến vùng đất cùng hàng triệu người tiêu dùng tại TPHCM và cả nước đã yêu mến, tin tưởng, sử dụng các sản phẩm của công ty trong suốt hơn 20 năm qua.
"Là một doanh nghiệp khởi nghiệp và lớn mạnh từ mảnh đất Sài Gòn, chính điều đó đã hun đúc tình yêu của chúng tôi với nơi đây và nung nấu ước mơ được làm gì đó để mảnh đất này ngày cảng đẹp hơn, đáng sống hơn. Cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với những giá trị về môi trường, cảnh quan, giá trị về kinh tế mang lại cho người dân, cho thành phố đã biến tâm nguyện của chúng tôi thành hiện thực", ông Minh cảm ơn người dân và lãnh đạo TP đã tạo điều kiện cho Nutifood được làm được cây cầu này.
Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói lãnh đạo TP các thời kỳ đều xác định phát huy tất cả nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng để TP có điều kiện phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh các nguồn lực ngân sách, sự đóng góp từ nguồn lực xã hội cũng rất quan trọng.
Hôm nay được Nutifood quan tâm tài trợ cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn, đây là việc rất ý nghĩa với phát triển kinh tế xã hội của TP. Cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn chỉ là công trình có công năng đi lại mà còn là công trình kiến trúc điểm nhấn của TP. Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông mà còn có ý nghĩa về mặt biểu tượng.
Ông Mãi đề nghị quá trình thi công cầu đi bộ sắp tới cần làm khẩn trương nhưng chặt chẽ. Làm sao thời gian khởi công đảm bảo chậm nhất 30-4-2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm khánh thành đưa vào sử dụng.
"Đây là công trình đóng góp sự phát triển TP, để lại đời sau. Lãnh đạo TP giao trách nhiệm Sở Giao thông vận tải TP tiếp tục cùng nhà tài trợ, các sở, đơn vị triển khai, chủ động cùng nhà tài trợ hoàn thành. Quá trình triển khai có phát sinh phải kịp thời phát hiện, phối hợp giải quyết để đảm bảo chất lượng, tiến độ", ông Mãi nói.
Kiến trúc theo hình tượng lá dừa nước
Cầu đi bộ được quy hoạch nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Vị trí phía quận 1 nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía bờ TP Thủ Đức nằm tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía nam quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đây là công trình được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn khu vực trung tâm, vì vậy từ năm 2019, TP.HCM đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc. Đến tháng 10-2023, kết quả thi tuyển đã được công bố. Thiết kế được chọn có hình tượng lá dừa nước của liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam.
Phương án thiết kế cầu đi bộ theo hình tượng lá dừa nước tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông và đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt. Đồng thời giải quyết các hệ cột trên mặt cầu do có khoảng vượt lớn, nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu rất thông thoáng. Thác nước tuần hoàn trong phương án của liên danh rất phù hợp với thiết kế quảng trường trung tâm Thủ Thiêm.
Phương án thiết kế được đánh giá độc đáo, ấn tượng, chưa trùng lắp, giản dị. Suất đầu tư khả thi, có cơ sở. Cây cầu này có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận