05/10/2024 10:52 GMT+7

TP.HCM kiến nghị Quốc hội phân bổ 25% vốn trung ương làm đường sắt đô thị

TP.HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn trung ương hỗ trợ cho TP.HCM (khoảng 25% đến 2035) để làm đề án đường sắt đô thị, còn lại sử dụng ngân sách TP.HCM.

TP.HCM kiến nghị Quốc hội phân bổ 25% vốn Trung ương làm đường sắt đô thị - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh: SGGP

Sáng 5-10, tại cuộc làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của TP.HCM trong 9 tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các nghị quyết liên quan phát triển TP.HCM.

Chuẩn bị trình Quốc hội 3 nội dung

Về tình hình kinh tế - xã hội, ông Mãi cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM trong quý 3 đạt 7,3%, chung 9 tháng đầu năm đạt 6,8%.

Trong đó, doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 11%, xuất khẩu tăng 10%, IPP tăng 7%, thu ngân sách nhà nước tăng 14,2%... Tuy nhiên, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22%, FDI giảm 5%, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%.

"Dự kiến TP.HCM sẽ đạt 19/22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 3 chỉ tiêu không đạt gồm tăng trưởng GRDP, tỉ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP và tốc độ tăng năng suất lao động", ông Mãi cho hay.

Trong báo cáo cũng nêu cụ thể 3 nội dung chuẩn bị trình Quốc hội xem xét gồm dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM, đề án đường sắt đô thị và đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM.

Trong đó, theo ông Mãi, đề án đường sắt đô thị TP.HCM được lập dựa trên các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển đường sắt đô thị TP.HCM, gần đây nhất là kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.

Ông Mãi nói: "Các thành phố lớn có quy mô tương tự như Hà Nội, TP.HCM đều được các nước tập trung đầu tư phát triển đường sắt đô thị để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội".

TP.HCM cần bao nhiêu vốn?

Dự kiến, TP.HCM sẽ đầu tư khoảng 183km đến năm 2035 và tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị được xác định trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Về nhu cầu vốn, ông Phan Văn Mãi cho hay giai đoạn đến năm 2035, TP.HCM cần gần 836.000 tỉ đồng (tương đương 34,84 tỉ USD); giai đoạn 2036 đến 2045 cần gần 628 tỉ đồng (khoảng 26,17 tỉ USD) và giai đoạn 2046 đến 2060 cần gần 974 tỉ đồng (khoảng 40,61 tỉ USD).

TP.HCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TP (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035), còn lại sử dụng ngân sách thành phố.

Cùng với đó, TP.HCM cũng đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai thành phố (cả TP Hà Nội) để triển khai thực hiện đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

Các nội dung về tổng mức đầu tư, suất đầu tư… sẽ được hai thành phố nghiên cứu chi tiết trong quá trình lập chủ trương đầu tư của từng dự án.

Trong các cơ chế, chính sách trình Quốc hội thông qua có bao gồm nội dung về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư từng tuyến: giao thẩm quyền cho HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư, UBND TP quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của thành phố, để có thể áp dụng ngay cho dự án metro số 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) trong năm 2025.

Tại buổi làm việc, ông Mãi cho biết TP.HCM có 3 nội dung cần báo cáo Quốc hội. Theo đó, TP.HCM đề xuất Quốc hội thông qua tổng thể dự án vành đai 4, chủ trương đầu tư dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An và có nghị quyết về cơ chế chung cho cả dự án để triển khai dự án.

Kiến nghị 10 cơ chế, chính sách

Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay trong số 44 cơ chế đặc thù trong nghị quyết 98, đến nay TP.HCM đã áp dụng 30 cơ chế, 2 cơ chế đang chờ bộ ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế TP.HCM đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Nói về đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc phát triển trung tâm tài chính được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị của TP, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm.

Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Trung tâm tài chính bao gồm 3 cấu phần: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh.

Ông Mãi nêu đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công trung tâm tài chính.

TP.HCM kiến nghị Quốc hội phân bổ 25% vốn Trung ương làm đường sắt đô thị - Ảnh 1.Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'Người dân hãy mua trái phiếu để cùng TP.HCM làm đường sắt đô thị'

TP.HCM cần 36 tỉ USD để làm 183km đường sắt đô thị. TP sẽ phát hành trái phiếu đường sắt đô thị, người dân TP.HCM hãy mua trái phiếu để cùng TP.HCM thực hiện dự án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên