13/12/2019 14:32 GMT+7

TP.HCM: Không để công trình xây sai rồi đập!

NGỌC HÀ - TIẾN LONG
NGỌC HÀ - TIẾN LONG

TTO - Các đại biểu dự hội nghị sơ kết 4 tháng thực hiện chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về trật tự xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp giúp xây dựng đúng quy định, thay vì để xảy ra xây dựng sai phép rồi xử lý.


TP.HCM: Không để công trình xây sai rồi đập! - Ảnh 1.

Một công trình sai phép trên đường 32, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hội nghị do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì, diễn ra ngày 12-12.

Hợp khối nhà có diện tích nhỏ

Lãnh đạo các quận huyện nhận định nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm xây dựng tràn lan là do người dân bức xúc về nhu cầu nhà ở.

Ông Trần Hoàng Quân - chủ tịch UBND quận 4 - cho biết quận này có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số cao nhất nhì TP. Toàn quận có 70% số nhà rộng dưới 21m2, rất nhiều nhà có diện tích dưới 15m2. Với nhà 15m2, không đủ chuẩn để cấp phép xây dựng nhưng quận 4 cấp phép một trệt một lầu để giải quyết khó khăn cho dân. Tuy nhiên người dân tìm mọi cách xây dựng lớn hơn giấy phép để có chỗ ở nên mới vi phạm xây dựng.

Từ thực trạng trên, chủ tịch quận 4 kiến nghị cơ chế đặc thù để hợp khối các lô đất nhỏ giúp người dân được xây nhà cao hơn. Cụ thể, cho các quận được ban hành quy chế quản lý kiến trúc để làm cơ sở cấp phép xây dựng cho nhà dân dưới 15m2. Với những hộ nghèo và cận nghèo, quận 4 tổ chức làm bản vẽ xin phép xây dựng để giảm chi phí cho dân.

Đề xuất của ông Quân được phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đồng tình và đề nghị các sở ngành nghiên cứu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dân ở các quận đất chật người đông.

Còn ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND huyện Nhà Bè - cho biết ở huyện có nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp vì không chuyển mục đích sử dụng đất được. Hỏi ra mới biết người dân muốn chuyển thành đất ở phải đăng ký từ năm trước, năm sau cơ quan chức năng mới duyệt kế hoạch. Cơ quan chức năng duyệt trễ mà dân có nhu cầu xây dựng nên phải xây trên đất chưa chuyển mục đích. 

Ông Tùng kiến nghị HĐND TP duyệt kế hoạch sử dụng đất 2 lần mỗi năm để giải quyết nhanh nhu cầu của người dân. Như vậy sẽ giảm được trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn huyện.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng các quận huyện cần tuyên truyền để người dân biết quy định về đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm rồi tổng hợp, thẩm định, đề xuất cơ quan chức năng đúng thời hạn. "Mỗi năm thông qua kế hoạch sử dụng đất một lần đã rất vất vả, không thể làm hai lần trong một năm. Luật cũng không cho phép vậy", ông Hoan phân tích.

TP.HCM: Không để công trình xây sai rồi đập! - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Cần mạnh tay xử lý

Tại hội nghị, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước của công trình vi phạm xây dựng. Tổng công ty đã có văn bản báo cáo Bộ Công thương nhưng bộ cũng trả lời không được cắt điện vì luật không cho phép. 

Tương tự, đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cũng cho biết nghị định 139 năm 2017 không quy định biện pháp cắt nước công trình xây dựng sai phép, không phép nên phía công ty cũng không có cơ sở để thực hiện.

Về việc cắt điện nước đối với các công trình xây dựng vi phạm, phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan quả quyết: có hai trường hợp phải xử lý cắt điện nước là đầu nậu xây dựng trái phép và những doanh nghiệp, tổ chức xây dựng công trình trái phép. 

Ngoài việc cắt điện nước còn có thể tước giấy phép hành nghề nhà thầu thi công vi phạm pháp luật, các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng ra quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế mà không chấp hành.

Ông Hoan khẳng định sẽ xử lý tất cả cá nhân vi phạm, bất kể người đó là cán bộ hay dân thường. Sở Xây dựng nghiên cứu các biện pháp đề xuất của các quận huyện, pháp lý hóa và ban hành quy trình thực hiện các giải pháp để phổ biến cho toàn TP. Phải thực thi cho bằng được việc ngăn chặn xây dựng trái phép, vì sự phát triển ổn định bền vững của TP.

Ông Hoan cũng chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành phải kiểm tra toàn diện tính pháp lý của toàn dự án về quy hoạch đất đai, đầu tư... Sắp tới, TP ưu tiên tăng cường lực lượng cho chính quyền quận huyện, phường xã, đưa đội thanh tra địa bàn về tham mưu, phối hợp cùng UBND quận huyện để bảo đảm trật tự xây dựng.

Sở Tài chính nghiên cứu quy định để tăng lương cho cộng tác viên trật tự đô thị, thanh tra ở địa phương để có thể tuyển được người tâm huyết cho lực lượng này. Sở Thông tin và truyền thông xây dựng phần mềm tích hợp ba lớp thông tin về quy hoạch, pháp lý đất đai và xây dựng của ba sở chuyên môn để người dân có thể tra cứu, sử dụng thuận tiện, dễ dàng.

8,5 vụ/ngày

Theo Sở Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2019, trung bình mỗi ngày TP.HCM xảy ra 8,5 vụ vi phạm xây dựng. Trong 4 tháng qua, trung bình mỗi ngày xảy ra 5,4 vụ vi phạm xây dựng, tỉ lệ giảm so với trước đó gần 37%.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân:

Đề án 2 triệu chỗ ở cho người dân tăng thêm

nguyenthiennhan1212 4(read-only)

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TIẾN LONG

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết gần đây, mỗi năm có 3.000 - 4.000 trường hợp xây dựng sai phép, không phép. Việc này kéo dài, cuối cùng thiệt hại cho dân, phức tạp pháp lý sau này mà quy hoạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trách nhiệm nhà nước đảm bảo trật tự, an toàn xã hội cũng bị hạn chế.

Ông Nhân cho biết TP.HCM đang làm đề án xây dựng 2 triệu chỗ ở cho người dân TP tăng thêm trong 10 năm tới. Hi vọng đến tháng 8-2020 sẽ có đề án. Đây là lần đầu tiên TP xây dựng, quy hoạch cụ thể chương trình nhà ở cho người dân tăng thêm của TP, giảm bức xúc về nhà ở, là giải pháp căn cơ để giảm xây dựng trái phép cho những năm sau.

"Cán bộ, đảng viên cũng phải bức xúc với những bức xúc của người dân. Nếu người dân có nhu cầu nhà ở chính đáng thì chúng ta cũng phải trăn trở làm sao để người dân có nhà ở. Các cơ quan nhà nước hẹn nhau mà làm để giải quyết bức xúc của người dân" - ông Nhân nói.

Vẫn "nóng" cả nội thành lẫn vùng ven

Mấy tháng gần đây, việc phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm "nóng" ở cả vùng ven và nội thành. Ở nội thành TP, các dự án lớn xây dựng trái phép được các cơ quan chức năng xử lý và đưa ra công luận như công trình số 628-630 Võ Văn Kiệt. Công ty cổ phần bất động sản Sài Gòn Vina, chủ đầu tư dự án khu phức hợp Dragon Riverside City, đã xây dựng không phép tại địa chỉ trên với diện tích vi phạm lên đến 35.000m2. UBND TP đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ phần vi phạm và đã xử phạt chủ đầu tư 325 triệu đồng.

UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khác tại công trình số 51 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mai Hoàng và Công ty TNHH xây dựng Đại Dũng (đơn vị quản lý tòa nhà) không chấp hành các quyết định xử lý vi phạm của cơ quan chức năng cũng bị UBND TP chỉ đạo xử lý nghiêm.

Công trình số 51 Nguyễn Chí Thanh đã bị UBND TP xử phạt 1 tỉ đồng và yêu cầu tháo dỡ hơn 1.800m2 sàn xây dựng lố so với giấy phép. Công trình cũng bị cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động nhưng đến nay các đơn vị liên quan chưa thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước.

Ở các quận, huyện vùng ven, các cơ quan chức năng cũng xử lý các nhà xưởng xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành (phó chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức) và gia đình tọa lạc tại phường Hiệp Bình Chánh.

UBND huyện Bình Chánh đã xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của bà Trần Thị Minh Trang tại resort Gia Trang ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Các công trình này xây dựng từ năm 2005, qua nhiều đời lãnh đạo UBND xã và huyện địa phương. Khi kiểm tra xử lý, các cơ quan chức năng phát hiện trong khu vực resort Gia Trang có đến 65 phòng khách sạn, 16 phòng karaoke, 13 phòng xông hơi, hồ bơi phục vụ khách sạn...

Tại Củ Chi, thanh tra Sở Xây dựng cũng phát hiện UBND huyện Củ Chi cấp hàng trăm giấy phép xây dựng cho những căn nhà ở riêng lẻ diện tích lớn để cho các chủ nhà chia thành nhiều căn nhà nhỏ, bán lại bằng vi bằng, giấy tay cho người dân.

Trong 2 năm 2017 và 2018, có hơn 450 giấy phép xây dựng nhà sở hữu chung được cấp trên địa bàn xã Bình Mỹ để hình thành hơn 2.200 căn nhà nhỏ. Được biết, Huyện ủy Củ Chi đã đề xuất hình thức kỷ luật các cán bộ sai phạm có liên quan.

NGỌC HÀ - TIẾN LONG

Miễn nhiệm phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức xây sai phép

thao-do-28-10-1-1572256813034489844921 4(read-only)

Công trình trái phép của ông Lê Hữu Thành ở quận Thủ Đức đang được tháo dỡ - Ảnh: NGỌC HÀ

Ngày 12-12, tại cuộc họp HĐND quận Thủ Đức, 29/29 đại biểu HĐND quận có mặt đã đồng ý miễn nhiệm chức phó chủ tịch HĐND quận đối với ông Lê Hữu Thành. HĐND quận sẽ báo cáo kết quả biểu quyết cho HĐND TP sau khi kỳ họp kết thúc. Về mặt Đảng, ông Thành là cán bộ do Thành ủy quản lý nên việc xử lý sẽ do Thành ủy quyết định.

Ông Lê Hữu Thành và gia đình trước đó đã xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo xử lý trong tháng 10 vừa qua. Sáu nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 của ông Thành và gia đình đã xây dựng từ nhiều năm trước, các cơ quan chức năng phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm cho đến thời điểm người dân tố cáo, dư luận thông tin rộng rãi. Đến nay, các công trình trên đã bị tháo dỡ.

Vì sao công trình bề thế xây sai phép tồn tại nhiều năm ở quận 10? Vì sao công trình bề thế xây sai phép tồn tại nhiều năm ở quận 10?

TTO - Có những công trình bề thế không phép, sai phép, xây vượt nhiều tầng nhưng vẫn tồn tại nhiều năm giữa trung tâm Q.10, TP.HCM.

NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên