Người dân trong hẻm 106 Bình Tiên (quận 6, TP.HCM) nhận những phần cơm tiếp tế bên ngoài sau khi bị phong tỏa để chống dịch - Ảnh: HOÀNG AN
Tính đến hôm nay 5-12, TP.HCM chưa có thêm ca bệnh COVID-19 mới trong cộng đồng sau 4 trường hợp đã phát hiện gần đây. Tuy nhiên, một loạt 'hàng rào' được lập để ngăn chặn COVID-19 lan rộng.
Bệnh viện thiết lập nhiều vòng kiểm tra sàng lọc, mở rộng xét nghiệm nhóm nguy cơ cao, đề xuất cách ly tập trung tất cả các tổ bay quốc tế, một số trường học tạm nghỉ hoặc chuyển qua học online, dừng các sự kiện đông người và xử phạt người không đeo khẩu trang...
Truy vết, mở rộng xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tích cực truy vết, mở rộng xét nghiệm giám sát các nhóm có nguy cơ cao. Các nhóm nguy cơ cao bao gồm trường hợp có tiếp xúc với các ca dương tính mới 1342, 1347, 1348, 1349 (F1, F2); tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại TP.HCM; người nhập cảnh đang lưu trú tại các khu cách ly tập trung và cơ sở lưu trú có thu phí; người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh thành khác về cư trú tại TP.HCM.
Ngoài ra, còn có 14 điểm nguy cơ cần giám sát lấy mẫu xét nghiệm gồm quán ăn, quán cà phê, karaoke, phòng tập gym, trung tâm Anh ngữ và các trường đại học... nơi các ca bệnh đã lui tới hoặc có người tiếp xúc gần.
"Tại sao chúng ta lại tập trung trọng tâm cho việc điều tra xử lý các trường hợp F1, F2? Bởi nếu quản lý tốt nhóm này, chúng ta cơ bản kiểm soát được chuỗi lây truyền. Khi thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn các F1 sẽ phát hiện sớm trường hợp dương tính và khi đó ngành y tế sẽ truy vết, khoanh vùng tiếp để cắt đứt nguồn lây hiệu quả nhất" - ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC, khẳng định.
Một vấn đề đặt ra là khi truy vết xét nghiệm mở rộng thì năng lực xét nghiệm có đáp ứng yêu cầu hay không? "Vấn đề năng lực xét nghiệm không còn đáng lo ngại như thời điểm bùng phát dịch. Ngoài việc duy trì các cơ sở hiện có, chúng tôi còn đề nghị các đơn vị khác phải khẩn trương xây dựng kế hoạch để được cấp phép xét nghiệm trước ngày 31-12" - ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP, nói.
Lực lượng chức năng phong tỏa một khu vực ở TP.HCM hôm qua 4-12 để kiểm soát dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tăng kiểm tra, giám sát việc cách ly
Ông Tăng Chí Thượng khẳng định Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ vẫn mở cửa để tiếp nhận bệnh nhân vào cách ly, điều trị. Đối với các ca bệnh nặng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sẽ là "đầu não" sẵn sàng tiếp nhận và chi viện điều trị như lâu nay.
Theo ông Thượng, với TP.HCM không chỉ nằm ở các khu cách ly tập trung, vấn đề quan trọng không kém là cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú. Đến chiều qua 4-12, số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 1.743 người, trong khi lượng người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú lên đến 2.390 người.
Để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM cho biết đang phối hợp với Sở Y tế tiếp tục thẩm định mở rộng mạng lưới cách ly có thu phí. Bên cạnh các khách sạn 3-5 sao đang vận hành, các đơn vị đang xem xét thêm nhiều khách sạn, nhà nghỉ có giá thấp (khoảng 1 triệu đồng/ngày), phục vụ đa dạng điều kiện của người cách ly lâu dài.
Trực tiếp kiểm tra công tác cách ly y tế tại hai khách sạn ở quận Phú Nhuận và quận Tân Bình (nơi tiếp nhận cách ly các thành viên phi hành đoàn), ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã yêu cầu các trung tâm y tế quận và trạm y tế phường cần tăng cường kiểm tra, giám sát các khách sạn được chọn cách ly y tế về việc tuân thủ quy định.
Các đơn vị phải hướng dẫn, hỗ trợ nơi lưu trú triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận đối tượng cách ly là thành viên của phi hành đoàn.
"Các khách sạn phải vận động người đang cách ly tự giác tuân thủ quy định của khu cách ly, người cách ly tuyệt đối không được tiếp xúc với nhau", ông Hưng nhấn mạnh.
Sàng lọc nhiều bước ở bệnh viện
Bệnh viện Nhân dân 115, nơi tiếp nhận hàng ngàn trường hợp đến khám và điều trị mỗi ngày, tổ chức hẳn 2 cổng kiểm tra, khai báo y tế, mỗi cổng lại được chia nhiều nhánh với các hình thức khai báo trên giấy và trên máy tính.
"Không chỉ khai báo ở cổng bệnh viện, từ đầu mùa dịch giám đốc bệnh viện yêu cầu mỗi khoa phòng có một đội dịch tễ, đồng thời lập thêm một chốt kiểm tra y tế. Như vậy khi người bệnh bước vào mỗi khoa phòng nào đó đều có thêm một nhân viên điều dưỡng gác cửa kiểm tra lần cuối, đủ điều kiện mới được vào khoa" - ông Trần Văn Sóng, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, nói.
Tương tự, Bệnh viện quận Phú Nhuận từ nhiều ngày qua cũng yêu cầu người đến khám chữa bệnh phải đeo khẩu trang, xịt tay khử khuẩn, khai báo y tế... ngay tại chốt gửi xe. Tại các khoa phòng, người bệnh đều được nhân viên y tế nhắc nhở liên tục việc phải đeo khẩu trang 24/24 giờ và ngồi giãn cách an toàn.
"Bảo vệ mình là bảo vệ người khác và cộng đồng nên dù có hơi chậm một tí nhưng tôi thấy rất cần thiết" - bà N.T.N. (50 tuổi), thường đến khám bệnh tại bệnh viện, nói.
Đánh giá tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại và tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng, tại cuộc họp trực tuyến do Sở Y tế TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho rằng các ca bệnh vừa mới xuất hiện là do "thủng" trong cách ly bởi nhiều tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng.
Theo ông Châu, để kiểm soát tốt điều này, các bệnh viện phải tập trung sàng lọc 2 bước, ngoài chốt ở cổng thì cần thiết lập thêm một chốt tại các khoa phòng để ngăn chặn tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm dịch trong bệnh viện.
Vì sao F2 được chỉ định cách ly tại nhà?
Theo HCDC, khả năng nhiễm bệnh của F2 phụ thuộc rất lớn vào kết quả xét nghiệm của F1. Nếu F1 âm tính thì F2 sẽ được giải tỏa vì thời điểm F2 tiếp xúc gần với F1, F1 không có khả năng lây bệnh. Nếu F1 dương tính thì F2 sẽ trở thành F1 và tiến hành các biện pháp phòng bệnh dành cho F1. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm của F1, để hạn chế khả năng có thể lây bệnh cho cộng đồng, F2 cần thực hiện đúng quy định cách ly tại nhà.
HCDC khuyến cáo quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xử trí tiếp xúc chỉ dừng ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là các F3, F4, F5... là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Giữ dưới 10 ca sẽ ngăn được lây nhiễm đợt 3
Lực lượng chức năng phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM xử phạt một trường hợp không đeo khẩu trang chiều 4-12 - Ảnh: Q.ĐỊNH
Giải đáp câu hỏi của bạn đọc tại chương trình giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 4-12, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nói hôm qua là ngày thứ ba không ghi nhận thêm ca bệnh cộng đồng tại TP.HCM và nếu khống chế được số mắc COVID-19 đợt này dưới 10 ca bệnh là ngăn được lây nhiễm chu kỳ thứ ba.
"Tôi cho rằng có thể dập tắt được ổ dịch tại TP.HCM, nhưng chúng ta không được chủ quan lơ là vì có thể có những trường hợp chưa phát hiện được do có nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc có những triệu chứng nhẹ mà người dân không khai báo và không đến trạm y tế, không phát hiện và có thể lây lan" - ông Phu nói.
Ông Phu cho biết nếu xét nghiệm F1 (người có tiếp xúc gần với bệnh nhân trong phạm vi 2m) có kết quả âm tính thì F2 (người có tiếp xúc gần với F1) không phải cách ly nữa. Tuy nhiên F2 cần phải theo dõi sức khỏe và có vấn đề gì thì báo cho cơ sở y tế để hướng dẫn và tư vấn kịp thời, đặc biệt cần phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Về thắc mắc của bạn đọc là các trường có cần thiết cho học sinh nghỉ học, theo bác sĩ Thân Mạnh Hùng - phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, việc có cho học sinh nghỉ học hay không tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan y tế và chính quyền địa phương.
Có bạn đọc hỏi có nên tổ chức đám cưới lúc này, ông Trần Đắc Phu thông tin: "Hiện nay tại TP.HCM chưa cấm việc tổ chức các lễ hội, đám cưới tại những nơi không phải là ổ dịch. Tuy vậy người dân cần làm theo hướng dẫn chỉ đạo của chính quyền địa phương và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch mà địa phương hướng dẫn".
Trong khi đó, bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhắc nhở: "Theo như các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, có 30-40% các bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Bởi vậy mỗi người dân nên chủ động các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của Bộ Y tế như luôn đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách, không tụ tập nơi đông người".
Ông Phu cho rằng các ca bệnh COVID-19 lần này ở TP.HCM không phức tạp như ổ dịch tại Đà Nẵng vì cơ quan chức năng phát hiện sớm, biết được nguồn lây bệnh (ca bệnh F0) và triển khai mạnh mẽ các biện pháp truy vết để quản lý các trường hợp F1, F2, khoanh vùng tiến hành các biện pháp dập dịch kịp thời. Đặc biệt là dịch chưa có dấu hiệu lây lan vào bệnh viện như trường hợp ở Đà Nẵng.
Ông Phu nhận định tình hình dịch trên thế giới rất phức tạp, các chuyến bay nhập cảnh vào Việt Nam thường đều có bệnh nhân dương tính (thường từ 3 đến 20 trường hợp trên chuyến bay) nên nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn nếu không thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về các biện pháp phòng chống hiệu quả nhất trong thời điểm dịch gia tăng trên thế giới và "lăm le" bùng lên tại Việt Nam, ông Phu khuyến cáo cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, cụ thể là "5K" do Bộ Y tế hướng dẫn bao gồm: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Đặc biệt trong số này 2K "khẩu trang" và "khử khuẩn" được coi là biện pháp bảo vệ hữu hiệu trong mùa dịch.
L.ANH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận