Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "TP.HCM phải sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu".
Muốn đạt mục tiêu đó TP.HCM phải có được hạ tầng cơ sở kỹ thuật tốt nhất, trong đó có giao thông. Tuy nhiên, để có đủ nguồn vốn thực hiện là bài toán cực khó.
Một loạt các dự án đã được lên kế hoạch để hiện thực mục tiêu hạ tầng giao thông. Đó là đường vành đai 3, metro số 1, 2, các trục đường liên vùng, cảng quốc tế Cần Giờ, cầu Cát Lái, rạch Xuyên Tâm...
Nhưng để làm thì từ nay đến năm 2030, TP.HCM phải cần khoảng 44 tỉ USD. Trong khi đó, vốn ngân sách của TP.HCM dành cho phát triển hạ tầng hằng năm không đáp ứng đủ. Đơn cử giai đoạn 2021 - 2025 TP.HCM chỉ bố trí được cho lĩnh vực giao thông 52.744 tỉ đồng, chỉ đạt 19,8% nhu cầu.
Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM khi được thông qua sẽ cho phép thí điểm huy động các nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng. Trong đó có việc mời gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) - nhà đầu tư thực hiện dự án, sau khi chuyển giao toàn bộ hay từng phần thì TP.HCM sẽ thanh toán hợp đồng bằng tiền, hoặc thanh toán bằng quỹ đất.
Hoặc một giải pháp khác là "lấy dự án, nuôi dự án": trong khi mở đường (như đường vành đai 3 TP.HCM), cải tạo kênh Tham Lương, rạch Xuyên Tâm sẽ tạo ra quỹ đất sạch ở hai bên bằng cách giải tỏa biên rộng hơn rồi đấu giá.
Tất nhiên đó là lý thuyết, còn để huy động được nguồn vốn từ các phương thức trên cần phải vượt qua các rào cản về quy định đấu giá, cần sự hợp tác của người dân, cân đối tiền đấu giá đất và việc tái định cư...
Kinh nghiệm những năm qua cho thấy hầu hết các dự án hạ tầng thực hiện bằng ngân sách công diễn ra êm thắm, quản lý và kiểm sát tốt hơn kể cả giai đoạn hậu dự án. Các dự án cơ sở hạ tầng của TP.HCM cũng phải dựa vào nguồn vốn đầu tư công là chính.
Hiện ngân sách của TP.HCM chỉ có thể dành cho cơ sở hạ tầng nhiều nhất cũng chỉ được 30 - 40%, còn lại phải dành cho các khoản khác như an sinh xã hội, y tế giáo dục, môi trường.
Do vậy muốn TP.HCM phát triển được hệ thống cơ sở hạ tầng thì TP.HCM cần được hưởng tỉ lệ điều tiết ngân sách cao hơn nữa, thay vì 21%.
Nhưng quan trọng hơn là tạo một cơ chế đặc thù để TP.HCM có thể tự chủ hơn trong giải quyết các vấn đề về cơ chế để có thể giải được tình trạng khát vốn hạ tầng cần thiết đó.
Trong một kịch bản khác, Chính phủ có thể xem TP.HCM là một đối tác, khi đó phần ngân sách mà TP.HCM đóng góp được khoán gọn từng năm, phần dôi dư được dùng cho phát triển, ngoài phần ngân sách được điều tiết hằng năm, nếu thiếu vốn thì TP.HCM có thể vay (không xin) Chính phủ nguồn vốn cho phát triển với lãi suất ưu đãi và phải trả theo luật định, còn khi Chính phủ cần đầu tư các dự án quốc gia trên địa bàn TP.HCM thì Chính phủ giao cho TP.HCM theo các hợp đồng.
Trung Quốc có được Thâm Quyến, Chu Hải, phố Đông Thượng Hải là nhờ có quan điểm coi những nơi này không phải là đơn vị phụ thuộc mà là đối tác như vậy.
Nghị quyết cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù khi được thông qua và triển khai sẽ giải quyết được nhiều nút thắt, tăng nguồn lực cho TP.HCM phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng.
Nhưng để đạt được các mục tiêu, nhất là cơ sở hạ tầng thì quan trọng nhất vẫn phải là nội lực của TP.HCM. Đó là con người, là dám làm, dám chịu trách nhiệm, trên tinh thần vì thành phố và vì cả nước, được thực hiện trong khung chính sách mà nghị quyết sẽ cho phép thực hiện khi được thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận