Tại văn phòng nhóm PGG (TP.HCM) có những hoạt động tư vấn, theo dõi sức khỏe cho nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV - Ảnh: HOÀI THANH
Phát biểu tại lễ trao giải thưởng Dải băng đỏ 2017 do Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP+) tổ chức với sự bảo trợ của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết TP.HCM đã được Cục Phòng chống HIV/AIDS lựa chọn là 1 trong 5 TP thí điểm kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Đồng thời TP.HCM cũng được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn vào nhóm TP lớn có phản ứng nhanh có triển vọng thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ - 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục - 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virút ở mức thấp và ổn định) vào năm 2020.
Những năm gần đây, điều kiện nguồn lực quốc tế suy giảm, TP.HCM đã có sự chuẩn bị để không làm gián đoạn công tác phòng chống HIV/AIDS với những chính sách để duy trì điều trị thuốc ARV liên tục, suốt đời cho bệnh nhân HIV, giúp người bệnh duy trì sức khỏe, hạn chế kháng thuốc và hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng.
TP.HCM chủ trương tiếp tục duy trì điều trị HIV thông qua BHYT, hỗ trợ 100% việc mua thẻ BHYT cho những người nhiễm HIV không có khả năng mua thẻ và đồng chi trả 20% thuốc ARV cho bệnh nhân có hộ khẩu tại TP và tạm trú trên 6 tháng đang điều trị HIV/AIDS ở TP, hỗ trợ điều trị methadone cho bệnh nhân điều trị nghiện ma túy.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM, tương ứng với ba mục tiêu 90-90-90, ước tính TP.HCM đã lần lượt đạt được 73% - 75% - 96%. TP.HCM có khả năng rất cao sẽ đạt được mục tiêu 90-90-90 trước thời hạn, vào cuối năm 2020.
Từ ngáo ộp đến hi vọng loại trừ dịch
Theo ông Hoàng Đình Cảnh - phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV (Bộ Y tế), hiện có 125.000 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV, tương đương 50% tổng số người nhiễm ước tính ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Cảnh lo ngại dịch lây lan trong những người nhiễm "ẩn" - người nhiễm chưa được công khai.
Số này ước tính khoảng 50.000 người, đặc biệt ở 5 nhóm: người chuyển giới, đồng tính nam, người nghiện chích ma túy, người đi làm ăn xa và mại dâm.
"Việt Nam đang áp dụng những mô hình phòng chống HIV mới nhất của thế giới, nhưng ở 5 nhóm trên thì cần có mô hình riêng và các đồng đẳng viên mới ngăn chặn được lây lan" - ông Cảnh nói.
Người Việt phần lớn rất sợ con ngáo ộp HIV, nhiều người trong chúng ta vẫn nhớ những hình nhân là người nhiễm HIV giai đoạn cuối chỉ còn da bọc xương, đôi mắt thao láo nằm chờ chết đầu những năm 1990, nhưng giờ đây theo ông Cảnh, nhờ thuốc kháng virút và nhiều nỗ lực khác, giới chuyên môn cam kết người có HIV có thể có tuổi thọ thêm 50 năm kể từ khi được xác định nhiễm bệnh.
Người đầu tiên được xác định nhiễm HIV ở Việt Nam (năm 1992) hiện cũng đang sống rất khỏe mạnh.
Thực hiện được cam kết của Chính phủ Việt Nam tới năm 2020 có 90% người nhiễm HIV được phát hiện, 90% người có HIV được tiếp cận thuốc điều trị (mục tiêu 90-90-90), trong khi từ năm 2018 tài trợ quốc tế bắt đầu giảm rất nhiều, là việc rất khó khăn.
Từ năm 2019 bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả thuốc ARV, đến năm 2020 có 80% chi phí thuốc ARV do bảo hiểm chi trả.
Từ năm 2018 bảo hiểm y tế bắt đầu chi trả phí điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm.Nếu duy trì mô hình 90-90-90 trong 10 năm, Việt Nam được coi loại trừ dịch HIV từ năm 2030, với 2 yêu cầu tiên quyết là chặn đầu vào của bệnh và ngăn chặn lây lan.
Từ rất sợ HIV, có HIV như bị "tuyên án tử", có những gia đình trong vài ngày có 2 con chết vì HIV, giờ có mục tiêu loại trừ dịch HIV là một chặng đường dài và còn nhiều việc để làm.
Nhưng ở chặng đường ấy, ông Cảnh nhắc rất nhiều người có H không những vươn lên giúp chính bản thân mình mà giúp cộng đồng, giúp những người có H khác cùng vươn lên.
Từng có lúc HIV bị đánh đồng với tệ nạn xã hội, giờ chính những con người ấy đã xóa tan định kiến và đang khẳng định mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận