Sự kiện có sự tham dự của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo UBND TP.HCM cùng một số Bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế… Quy mô khoảng 400 khách mời.
Hội thảo "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội" sẽ tập trung vào những nội dung: vai trò và tầm quan trọng của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh đồng thời đưa ra các vấn đề cần giải quyết.
Mục tiêu là để tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho người dân.
Hội thảo có hai phiên thảo luận: Phiên một với chủ đề "Kết nối dữ liệu, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt". Phiên hai với chủ đề "Thúc đẩy thanh toán thông minh mang lại lợi ích cho xã hội".
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập cho biết tiếp nối thành công của bốn năm qua, chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt năm 2023" là bước sang năm thứ 5 được tổ chức với các sự kiện, tuyến truyền thông nhằm thực hiện cuộc vận động hướng đến một xã hội không tiền mặt.
Với chủ đề "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội", hội thảo là sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày không dùng tiền mặt 16-6-2023, do báo Tuổi Trẻ, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) phối hợp tổ chức.
Đồng thời, Ngày Không tiền mặt năm nay có sự hưởng ứng đồng hành của các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ tài chính, doanh nghiệp bán lẻ,… cùng đông đảo người tiêu dùng trên cả nước tham gia.
Nhìn lại 5 năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt với đa dạng các phương thức thanh toán.
Từ việc nhiều người dân còn chưa biết, ngại ngần chuyển khoản, quét mã QR code,… đến thời điểm này, người dân ngồi ở bất cứ nơi đâu và chỉ thao tác một vài phút trên chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể dễ dàng nộp thuế và nhiều khoản phí, lệ phí hay thanh toán mọi dịch vụ từ điện, nước, viễn thông…
Thanh toán không dùng tiền mặt đã quá phổ biến và đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng.
Theo như số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng.
Trong 4 tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2022, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng mạnh mẽ; qua các kênh Internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch.
Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị. Ngược lại, thanh toán qua ATM giảm 3,5% về số lượng và 5,5% về giá trị.
Khai thác, kết nối dữ liệu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Ông Phạm Tiến Dũng, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.
Trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Do đó, Hội thảo năm nay lấy "dữ liệu" là điểm nhấn, góp phần phát triển hoạt động thanh toán thông minh, thúc đẩy phát triển xã hội, qua đó tạo diễn đàn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phân tích, khai thác và chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nói chung và lan tỏa thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi mặt đời sống, kinh tế xã hội.
TP.HCM hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM rất quan tâm đến xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt.
TP luôn có ý thức, có sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của TP.HCM.
Với tâm thế này, sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đã tổ chức triển khai ngay.
Đến nay các cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông đã tiến hành thanh toán không tiền mặt.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại TP.HCM đã đạt 30%.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa.
Hiện TP.HCM đã ban hành chiến lược dữ liệu và thời gian tới sẽ triển khai để làm nền tảng cho thanh toán không tiền mặt, kể cả chính sách khuyến khích không tiền mặt.
Tại hội thảo này, TP.HCM muốn lắng nghe ý kiến các ngân hàng, các chuyên gia, nhà cung ứng… gợi ý cho TP.HCM là nên làm gì để đẩy nhanh hơn nữa thanh toán không tiền mặt. TP.HCM cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.
"Trong giai đoạn ban đầu hiện nay nên có các quy định bắt buộc để đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt, chẳng hạn giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên buộc phải thanh toán qua ngân hàng. Như vậy sẽ đẩy nhanh được thanh toán không tiền mặt.
Lãnh đạo UBND TP.HCM luôn hoan nghênh các sáng kiến nhằm thúc đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt. Mục tiêu của TP.HCM là hướng đến dẫn đầu thanh toán không tiền mặt cả nước", ông Mãi nói.
Bình quân thanh toán qua ngân hàng đã đạt 40 tỉ USD/ngày
Nhận định về vai trò của dữ liệu trong hoạt động của ngành ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho rằng dữ liệu là đặc biệt quan trọng.
Việc kết nối dữ liệu sẽ giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, giúp bán chéo sản phẩm.
Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu đầy đủ góp phần ngăn chặn hành vi gian lận lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật…
Quyết định phê duyệt đề án 06 của Thủ tướng về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tạo nền tàng cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng khai thác cơ sở dữ liệu quý báu này.
Ông Tuấn đánh giá hạ tầng thanh toán đã phát triển mạnh mẽ, bình quân thanh toán 40 tỉ USD/ ngày.
Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới.
Ngân hàng Nhà nước đang sửa thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiến tới dùng số căn cước công dân làm mã số thuế
Đây là thông tin rất mới được ông Phạm Quang Toàn, cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Tổng cục Thuế, cho biết tại hội thảo.
Theo ông Toàn, hiện nay người dân có mã số thuế vừa có riêng bên cạnh số căn cước công dân. Nhưng tới đây sẽ bỏ mã số thuế và dùng số căn cước công dân làm mã số thuế.
Đây là một nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính và khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như là được cấp mã số thuế.
Việc này nhằm ba mục tiêu là thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất. Tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.
Để làm được điều này phải đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu.
Tính đến nay ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Nhưng vừa qua khi rà soát, đối chiếu thì phát hiện nhiều trường hợp đã chết hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời.
Quá trình đối chiếu, làm sạch dữ liệu đang được đẩy nhanh, và đến nay đã có 52/75 triệu mã số thuế được rà soát, đối chiếu.
Tới đây, việc đồng bộ dữ liệu được hoàn tất sẽ tạo điều kiện rất lớn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế, nhất là những thủ tục như kê khai người phụ thuộc, thừa kế, quà tặng, miễn thuế với căn nhà duy nhất.
Hiện nay, ngành thuế đang nâng cấp ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Đồng thời đảm bảo duy trì, vận hành ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định đảm bảo dữ liệu được cập nhật kịp thời từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sang cơ sở dữ liệu quản lý thuế.
Ngành thuế cũng đặt ra mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu đăng ký thuế - cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, Ban hành Thông tư sửa đổi thông tư hướng dẫn về Đăng ký thuế vào tháng 7-2023.: tháng 7-2023.
Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và triển khai chuyển đổi mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế trên các hệ thống quản lý thuế và Hệ thống cung cấp dịch vụ công: tháng 12-2023.
Về nộp thuế điện tử cho cá nhân trên VNeID) đến nay đã kết nối 20 ngân hàng. Số lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile 394.381 lượt. Số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 394.553 giao dịch.
Tại Việt Nam, cứ 10 giao dịch thì có 5 giao dịch thanh toán không tiếp xúc
Ông Kelvin Tanu Utomo - trưởng bộ phận Sản phẩm & Giải pháp, Visa Việt Nam và Lào - chia sẻ, trong hành trình tiến tới phát triển thương mại điện tử vào năm 2030, có nhiều thay đổi về phương thức kỹ thuật, nên xuất hiện nhiều thách thức lẫn cợ hội.
Hiện tại có 9 xu hướng được quan tâm trong lĩnh vực thanh toán số. Trong đó có ba điểm cần nhấn mạnh gồm: Thanh toán qua ví điện tử - đang phổ biến nhất tại Việt Nam nhờ trải nghiệm thuận tiện cho người dùng, các ưu đãi và sự phủ rộng trong chấp nhận thanh toán qua hình thức này; Yêu cầu người dùng về việc có trải nghiệm không rào cản ngày càng cao; Các bên cần tham gia vào quy trình thanh toán và chia sẻ dữ liệu.
Cụ thể, hiện nay người dân chỉ cần click là có thanh toán, hay thanh toán bằng mã QR.
"Bất kể phương thức nào cũng chỉ mong tạo ra phương thức thanh toán tiện lợi cho người dùng", ông Kelvin nói. Riêng nguồn tiền từ thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng… đều do người dùng lựa chọn.
Theo Kelvin, thanh toán không tiếp xúc có cơ hội phát triển khi đảm bảo nhiều yếu tố như: trải nghiệm thanh toán mượt mà và ít rào cản, đảm bảo an toàn, tăng doanh số cho người bán, giảm bớt rào cản xử lý thanh toán không tiền mặt.
Tại Việt Nam, thanh toán không tiếp xúc và QR sẽ bổ trợ cho nhau, tùy vào lựa chọn của khách hàng.
Đại diện của Visa Việt Nam và Lào chia sẻ, sự phát triển của thanh toán không tiếp xúc đang phổ biến ở nhiều thị trường.Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc qua thẻ xếp từ thấp đến cao lần lượt là: Philippines (34,4%), Thái Lan (38,3%), Việt Nam (48,4%), Hong Kong (89,3%), Đài Loan (90,9%), Maylaysia (83%), Singapore (98%), Úc (99%) và New Zealand (96,4%).
Như vậy, có thể thấy hiện nay tại Việt Nam cứ 10 giao dịch thanh toán trong cửa hàng thì có gần 5 giao dịch không tiếp xúc.
Theo ông Kelvin, sắp tới sẽ có nhiều ví điện tử tham gia vào thanh toán không tiếp xúc. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể thanh toán bằng điện thoại, đồng hồ đeo tay… Hay đi xe buýt, tàu điện… cũng có thể thanh toán không tiền mặt.
Để phương thức thanh toán không tiền mặt phát triển hơn nữa, ông cho rằng, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng chia sẻ và thu thập dữ liệu tức thời. Khi Visa và các bên liên quan hợp tác thì sẽ tạo nên cơ hội quan trọng trong cơ sở dữ liệu sau này.
Ở lộ trình tiến đến dữ liệu mở, ngân hàng mở, tổ chức nào sử dụng nhiều dữ liệu từ nhiều bên khác nhau cũng như bảo vệ được dữ liệu đó tối ưu, thì sẽ có nhiều ưu thế trong tương lai. Dữ liệu mở cũng là yếu tố quan trọng để bước vào ngân hàng mở, trong đó hành lang pháp lý là nền tảng quan trọng.
Bên cạnh đó, cần tạo niềm tin người dùng. Vì khách hàng ưu tiên dùng nền tảng thanh toán có độ tin cậy cao hơn thay vì rẻ hơn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chúc mừng hội thảo với chủ đề: "Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh thúc đẩy phát triển xã hội" do Báo tuổi trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 16-6.
Qua bốn năm triển khai, Ngày Thanh toán không dùng tiền mặt 16-6 hàng năm do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đã góp phần vào việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, giúp thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở lên phổ biến trong xã hội.
Theo phó thủ tướng, ngày 6-1, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Theo đó, các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác đã được Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu, triển khai.
"Thanh toán không dùng tiền mặt đang càng trở nên phổ biến với mọi thành phần trong xã hội từ nhân viên văn phòng, tiểu thương đến những người lao động; từ hoạt động thương mại đến dịch vụ công; từ thành phố đến nông thôn,… đã tạo động lực cho các sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần đưa Việt Nam tiến nhanh hơn với một xã hội số trong tương lai.
Sau 2 năm triển khai Quyết định số 1813 năm 2021 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tôi thật sự ấn tượng về những chỉ tiêu, kết quả về thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được.
Đó là tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 75%. Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả. Đồng thời, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng,…" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khái, đến tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp (đạt tỉ lệ hơn 83%).
Cuối cùng, phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và tin ưởng trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn như các Chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt do Báo Tuổi trẻ đầu mối tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận