Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân khu Mả Lạng, quận 1 do có ca nhiễm COVID-19 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Sáng 1-6, đoàn công tác của Chính phủ do phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Báo cáo tại cuộc họp, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tính đến 6h ngày 1-6, TP.HCM đã có 200 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố có liên quan đến ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, quận Gò Vấp.
Ngoài ra theo ông Bỉnh, từ 18h ngày 31-5 đến 6h ngày 1-6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận thêm 11 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19 liên quan đến ổ dịch này.
20/22 địa phương có ca bệnh
Đây là ổ dịch được phát hiện từ ngày 26-5. Đến nay theo thông tin truy vết có 1 bệnh nhân (vợ của mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng) từng ra Hà Nội ngày 23-4 đến 29-4, có triệu chứng bệnh từ ngày 13-5 và ngày 16-5 hội thánh có tổ chức buổi họp các thành viên.
Hiện tổng cộng 20/22 quận, huyện có ca bệnh cư trú trên địa bàn, ngoại trừ quận 11 và huyện Cần Giờ. Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh như Gò Vấp (52 ca), quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca). Dịch cũng đã phát tán ra một số tỉnh thành khu vực phía Nam.
Như vậy hội thánh này có 55 người trực tiếp sinh hoạt cho đến nay đã có 40 người mắc COVID-19, từ đó lây lan ra thêm cho 160 người khác trong cộng đồng dân cư tại TP.HCM thông qua nơi làm việc, tiếp xúc gia đình và bạn bè.
Nguy cơ dịch xâm nhập vào 3 khu công nghiệp
Về nguy cơ với các khu công nghiệp, ông Bỉnh cho biết đã ghi nhận 3 ca bệnh làm việc trong 3 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc - Hóc Môn. Đồng thời, tối 30-5 có thêm 1 trường hợp được phát hiện dương tính tại Long An là nhân viên làm việc ở Công ty Coats Phong Phú (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức).
Công ty này có 1.082 người lao động, ngưng hoạt động lúc 22h ngày 30-5. Hiện ngành y tế đã xác định được 146 người thuộc diện F1 và đã đưa đi cách ly tập trung và xét nghiệm. Số công nhân viên còn lại sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát.
Ngoài ra theo báo cáo của giám đốc Sở Y tế, có một số người sinh hoạt trong hội thánh này cũng làm việc tại các công ty trong khu công nghiệp. Điều này cho thấy nguy cơ dịch bệnh lây lan từ cộng đồng dân cư vào khu công nghiệp hoặc ngược lại thông qua người lao động.
Môi trường làm việc và sinh hoạt tập thể tập trung rất đông người trong các khu công nghiệp là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan nhanh và mạnh ra cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm 100.000 người/ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, với tình huống dịch bùng phát mạnh, toàn bộ hệ thống y tế từ dự phòng tới điều trị đã được kích hoạt, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu khẩn trương điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm kiếm người mắc bệnh.
Đối với các phường ghi nhận nhiều ca bệnh như phường 3, 5, 9, 15 quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc, quận 12; phường 15, quận Bình Thạnh... ngành y tế thực hiện xét nghiệm mở rộng cho người dân toàn phường.
Đối với các phường ít ca bệnh hơn, thực hiện xét nghiệm theo khoanh vùng rộng cho khu phố có ca bệnh và những khu phố lân cận theo tổ bầu cử (khoảng 1.500-2.000 người dân).
Đối với các khu chung cư, tòa nhà có căn hộ, văn phòng công ty phát hiện ca bệnh, tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ người cư trú, người làm việc trong tòa nhà do môi trường nguy cơ cao lây nhiễm (khép kín, máy lạnh, nhiều khu vực thông thương, sử dụng chung...).
Ngành y tế TP.HCM đã huy động lực lượng toàn ngành tham gia lấy mẫu xét nghiệm, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Song song đó, đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Những ngày vừa qua trung bình 50.000 người được thực hiện xét nghiệm mỗi ngày (10.000 mẫu gộp/ngày); chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị trong tình huống có 5.000 người bệnh COVID-19.
3 chuỗi lây bệnh được kiểm soát
Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 27-4 đến nay tại thành phố có 208 trường hợp dương tính COVID-19 đã được công bố.
Ngoài chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, có 3 chuỗi lây nhiễm khác liên quan đến ổ dịch tại Hà Nam (phát hiện ngày 29-4 ), công ty ở quận 3 (phát hiện ngày 18-5) và quán bánh canh ở quận 3 (phát hiện ngày 21-5).
Đến nay 3 chuỗi lây nhiễm trên đã được kiểm soát, theo Sở Y tế TP.HCM. Từ ngày 25-5 đến nay không ghi nhận thêm người mắc bệnh. Kết quả giải trình tự gene virus gây bệnh của 3 chuỗi này cho thấy có sự hiện diện của biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Án Độ) và biến chủng B.1.1.7 (biến chủng Anh).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận