01/09/2021 06:44 GMT+7

TP.HCM: hoạt động cấp thuốc điều trị và tư vấn đang hoàn thiện dần

HOÀNG LỘC - TIẾN LONG
HOÀNG LỘC - TIẾN LONG

TTO - Ngoài các gói thuốc an sinh, mới đây TP.HCM được phân bổ 16.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) có triệu chứng điều trị tại nhà. Hoạt động cấp thuốc điều trị và tư vấn đang hoàn thiện dần.

TP.HCM:  hoạt động cấp thuốc điều trị và tư vấn đang hoàn thiện dần - Ảnh 1.

Tổ quân y cơ động 316 thuộc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phát thuốc cho các F0 điều trị tại nhà ở quận 8 (TP.HCM) vào sáng 30-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hy vọng đây sẽ là "chìa khóa" làm giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nhưng việc thuốc đến được tận tay F0 là cả một vấn đề.

"Nhà tôi có người mắc COVID-19 nhưng khi gọi y tế phường lại được hướng dẫn tự mua thuốc về nhà điều trị bởi y tế bây giờ quá tải. Tôi hỏi có còn túi thuốc không, nhân viên y tế trả lời nếu muốn có túi thuốc phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR" - chị Y.N. phản ảnh.

Không riêng gì trường hợp chị N., theo ghi nhận của chúng tôi, có khá nhiều F0 khi gọi đến trạm y tế phường đều được trả lời "chưa có thuốc" và quy định "ai ở đâu ở yên đó" đang áp dụng, các F0 chỉ còn cách ngồi "hóng" thuốc và cầu mong bệnh tình không nặng thêm.

"Cứ chờ, bệnh sẽ tự khỏi"!?

Để kiểm chứng lời của người dân phản ảnh, sáng 31-8 chúng tôi làm một "phép thử" gọi điện vào một số trạm y tế lưu động tại TP.HCM hỏi gói thuốc an sinh và thuốc kháng virus Molnupiravir. 

Ngoài một số trạm bắt máy, có tư vấn và hướng dẫn cách đăng ký thuốc, một số trạm lưu động ở quận 6 và TP Thủ Đức không có người bắt máy điện thoại.

Tại một trạm y tế lưu động ở quận Bình Thạnh, một nhân viên nam sau khi hỏi các triệu chứng đã cho biết thuốc kháng virus Molnupiravir hiện mới chỉ điều trị thí điểm, phương pháp điều trị chính vẫn là "ăn ngủ tốt, vệ sinh tay, tập thở hằng ngày và điều trị triệu chứng hạ sốt, vitamin theo hướng dẫn của gói thuốc A, còn lại COVID-19 sẽ tự khỏi, không cần phải điều trị thuốc Molnupiravir".

Theo nhân viên này, tại phường hiện chỉ điều trị theo gói thuốc A, chưa triển khai thuốc kháng virus Molnupiravir. 

Khi chúng tôi nói triệu chứng của mình (ho, sốt) trùng với hướng dẫn của Bộ Y tế đủ điều kiện sử dụng thuốc Molnupiravir thì nhân viên này nói "để nghiên cứu lại" và trấn an: "Anh yên tâm, cơ thể sẽ tự sinh miễn dịch và tự khỏi trong vòng 2 tuần".

Trong chuyến kiểm tra thực tế tại 2 trạm y tế lưu động ở huyện Nhà Bè và quận 4 vào ngày 30-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chấn chỉnh một số hạn chế trong cấp phát thuốc, chăm sóc điều trị F0 tại nhà.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh - trưởng trạm y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) - cho biết các trường hợp sau khi test nhanh dương tính sẽ được sàng lọc, lập hồ sơ và làm xét nghiệm khẳng định lại bằng RT-PCR. 

Từ đó mới lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển thông tin cho trạm y tế lưu động phát thuốc.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lập tức chấn chỉnh: "Theo hướng dẫn mới, nếu test nhanh dương tính, quyết định cho F0 cách ly ở nhà thì không cần phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR ngay. 

Nếu trông chờ xét nghiệm RT-PCR thì sẽ vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm. Cứ ai có kết quả test nhanh dương tính, đủ điều kiện cách ly tại nhà là phát ngay túi thuốc cho họ".

Ông yêu cầu các trạm y tế lưu động khi được cấp cần ưu tiên phát nhanh nhất túi thuốc cho F0 và cập nhật sau, bởi họ cần được chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất.

TP.HCM:  hoạt động cấp thuốc điều trị và tư vấn đang hoàn thiện dần - Ảnh 2.

Dữ liệu: HOÀNG LỘC - Đồ họa: T.ĐẠT

Đóng vai F0 gọi điện "xin thuốc"

Để giám sát việc thuốc có đến tận tay người dân nhanh chóng hay không, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn còn cho người "đóng vai" F0, làm "phép thử" gọi vào số điện thoại của các trạm y tế lưu động để "xin" thuốc.

"Khi gọi vào số các trạm y tế lưu động ở huyện Nhà Bè và quận 4, cơ bản đáp ứng được nhu cầu y tế tiếp cận ngay khi người dân cần, cả trường hợp mắc COVID-19 lẫn các bệnh lý cấp cứu thông thường" - ông nói và cho rằng việc người dân phản ảnh chưa nhận được gói thuốc hoặc "kêu" y tế không tới cơ bản đã được đáp ứng, đặc biệt sau cuộc làm việc của Thủ tướng mới đây.

Tuy nhiên, theo ông, khi triển khai các gói thuốc A, B và C, dù các trạm y tế cơ sở đã nỗ lực chuyển nhanh nhất cho F0 nhưng do số lượng F0 trên một số địa bàn quá đông nên không tránh khỏi việc "người trước, người sau". 

Mặt khác, các gói thuốc của thành phố vừa được phân bổ về các địa phương cách đây 2 ngày nên cũng có thể một số F0 được cách ly trước đây chưa tiếp cận được gói thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Huân - giám đốc Trung tâm Y tế quận 4 - cho biết đơn vị đã nhận được 1.260 túi thuốc và đã nỗ lực cấp được hơn 800 túi. 

Theo ông, tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương bởi người test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc. 

Ngoài ra, nhân viên y tế không chỉ lo phát thuốc mà còn lo làm xét nghiệm, chưa kể thuốc nhận về còn phải có thời gian phân chia ra các túi.

Người dân đặc biệt quan tâm đến thuốc kháng virus Molnupiravir. Về cung ứng thuốc này cho F0 sắp tới, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định ngành y tế đã chuẩn bị một lượng thuốc lớn nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cho số ca F0 có triệu chứng nhẹ đang gia tăng.

"Loại thuốc này cơ bản thuốc không thiếu. Tuy nhiên, để xác định F0 nào được sử dụng thì cần có sự phân loại chỉ định của y bác sĩ, khi sử dụng F0 phải ký vào đơn tự nguyện điều trị có kiểm soát. Do vậy không thể nhanh được, cần phải đầy đủ và cẩn thận nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh" - ông nói.

Trên 85.000 F0 cách ly tại nhà

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đến nay số trường hợp F0 đang cách ly theo dõi, điều trị tại nhà ở TP.HCM là 85.298 người, trong đó có 60.581 F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 24.717 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly theo dõi điều trị.

"Sẽ đủ thuốc cho người dân"

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo chương trình của UBND TP.HCM, hiện nay đơn vị đã chuẩn bị 150.000 túi theo hai gói A, B; đã chuyển 74.000 túi cho trung tâm y tế các quận, huyện để phân phối cho các trạm y tế phường, xã cấp phát cho F0 điều trị tại nhà.

Các gói thuốc này chủ yếu là paracetamol, các loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin C giúp hạ sốt và nâng cao thể trạng.

Một số loại thuốc chứa corticoid, thuốc kháng viêm và kháng đông dùng để điều trị triệu chứng khi F0 cảm thấy khó thở (nhịp thở nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 dưới 95%) và chưa liên hệ được bác sĩ.

Chỉ riêng thuốc kháng virus Molnupiravir được đánh giá sẽ là "chìa khóa" giúp F0 có triệu chứng nhẹ giảm tải lượng virus, qua đó giảm tỉ lệ nhập viện và nguy cơ giảm tử vong.

Theo dự kiến, thuốc này được tài trợ 2,3 triệu viên (tương đương 116.000 liều) và cho đến nay đã cấp được 16.000 liều, kế hoạch trong những ngày tới sẽ được bổ sung 34.000 liều thuốc.

TP.HCM: Hơn 144.000 F0 đang được theo dõi, điều trị TP.HCM: Hơn 144.000 F0 đang được theo dõi, điều trị

TTO - Hiện thành phố đang điều trị cho 40.133 F0 tại các cơ sở y tế, 83.643 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà và 20.604 F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.

HOÀNG LỘC - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên