Chính quyền đô thị sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường 7, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Trần Anh Tuấn cho biết:
- Nước ta hiện đang duy trì 3 cấp chính quyền đô thị, là cấp thành phố, cấp quận - huyện và cấp phường. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị là thực hiện chủ trương của Đảng về việc tổ chức lại chính quyền địa phương cho phù hợp với đặc điểm đô thị.
Hà Nội, Đà Nẵng đã được Quốc hội ban hành nghị quyết cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Riêng TP.HCM, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với đề án chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận, cấp phường.
Ngày 25-9, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với UBND TP.HCM về đề án này trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nhiều điểm mới hơn lần thí điểm năm 2008
* Thưa ông, vì sao phải tổ chức lại chính quyền đô thị theo hướng không có HĐND ở cấp quận, cấp phường?
- Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, quy định chính quyền địa phương được tổ chức thành 1 cấp gồm HĐND và UBND. Trường hợp khác, không có HĐND, sẽ do Quốc hội quyết định.
Căn cứ quy định của luật, các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đang triển khai tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị theo hướng chỉ tổ chức từ 1-2 cấp để tinh gọn bộ máy một cách hợp lý.
Theo nghị quyết 97 của Quốc hội, từ ngày 1-7-2021 sẽ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo 2 cấp TP và cấp quận, không tổ chức HĐND cấp phường. Quốc hội cũng có nghị quyết 119 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng từ ngày 1-7-2021 chỉ 1 cấp là HĐND và UBND TP.
Theo đó, các quận, phường không có HĐND mà chỉ có UBND là cơ quan hành chính nhà nước. TP.HCM cũng đang xây dựng đề án chính quyền đô thị 1 cấp, theo hướng không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường. Nếu đề án được Quốc hội thông qua, TP.HCM cũng sẽ thực hiện mô hình chính quyền đô thị mới từ ngày 1-7-2021.
12 năm trước, chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, TP trực thuộc trung ương, gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Phú Yên, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.
Lần này chúng ta chỉ thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường tại các đô thị. Xây dựng cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường theo chế độ thủ trưởng, trực thuộc chính quyền TP, phù hợp với nhu cầu quản lý, phát triển đô thị.
* Việc xây dựng chính quyền đô thị hướng tới những mục tiêu nào?
- Dù tổ chức mô hình chính quyền đô thị thế nào vẫn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động chính quyền đô thị các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt sự giám sát HĐND cấp trên, gắn với quy chế dân chủ tại cơ sở.
Việc tổ chức lại chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý cấp phường, cấp quận, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh gọn hơn. UBND cấp phường, cấp quận sau khi tổ chức lại sẽ là một cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc chính quyền cấp trên.
Quá trình tổ chức lại chính quyền đô thị cũng hướng tới thống nhất chế độ công chức công vụ trong các cơ quan nhà nước từ TP đến quận, phường. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước tại đô thị, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của công chức làm việc tại UBND phường, hạn chế tình trạng công chức phường đẩy việc cho tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố thực hiện.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn - Ảnh: BẢO NGỌC
Sẽ giảm hàng ngàn biên chế
* Xin ông cho biết khi tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, sẽ giảm được bao nhiêu biên chế?
- TP Hà Nội hiện có 12 quận, 1 thị xã, với 177 phường; TP Đà Nẵng có 6 quận, 45 phường và TP.HCM có 19 quận, 259 phường. Tương đương với số lượng quận, phường này là số đơn vị HĐND các cấp đang hoạt động với hàng ngàn biên chế, người hưởng lương ngân sách.
Các địa phương chưa có thống kê cụ thể số biên chế giảm được sau khi tổ chức lại chính quyền đô thị. Nhưng nếu TP Hà Nội không tổ chức HĐND tại 177 phường, sẽ giảm được khoảng 4.400 - 5.300 cán bộ cấp phường.
Tương tự, Đà Nẵng sẽ giảm được khoảng 1.800 biên chế, người hưởng lương. Việc tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường tại TP.HCM thời gian qua cũng làm tăng số biên chế toàn TP khoảng 8.300 người, nếu không tổ chức HĐND thì số biên chế, người hưởng lương này sẽ không còn.
* Vậy hàng ngàn biên chế dôi dư khi không tổ chức HĐND tại 3 TP sẽ được sắp xếp thế nào?
- Trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị, các địa phương sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp, bố trí vị trí việc làm mới phù hợp với năng lực của công chức. Trường hợp không bố trí được việc làm mới trong chính quyền thì các địa phương phải giải quyết theo chế độ công chức dôi dư.
* Ông có lo ngại việc không có HĐND ở quận, phường thì tiếng nói, nguyện vọng của người dân sẽ khó tới được với cơ quan dân cử cấp trên?
- Quá trình tổ chức lại chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM từ ngày 1-7-2021 sẽ gắn liền với việc đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử cấp trên. Hoạt động HĐND cấp TP, cấp quận cũng phải có những đổi mới theo hướng tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, đa dạng các kênh tiếp nhận phản ảnh của người dân.
* Không có HĐND cấp quận, phường thì cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường?
- Tại Đà Nẵng, TP.HCM khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì HĐND TP sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường. Hà Nội chỉ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường nên hoạt động cơ quan hành chính cấp phường sẽ do HĐND cấp quận trực tiếp giám sát.
Sau khi tổ chức lại chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hợp lý thì cơ quan hành chính cấp quận sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TP, cơ quan hành chính cấp phường chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp quận.
UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng
Theo nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, lần thí điểm không có HĐND năm 2008 thì UBND cấp quận, huyện, phường, xã vẫn hoạt động theo cơ chế tập thể, UBND vẫn biểu quyết theo đa số.
Ở lần thí điểm sắp tới, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND phường quyết định. Từ ngày 1-7-2021, chủ tịch UBND TP sẽ bổ nhiệm chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND quận sẽ bổ nhiệm chủ tịch UBND phường.
Với chính quyền đô thị, trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường rất cao, quyền hạn rất lớn. Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, HĐND quận, đảng ủy phường, Mặt trận Tổ quốc. Như vậy mối quan hệ của chủ tịch phường theo mô hình mới rất nhiều nên cần có quy chế cụ thể về chế độ báo cáo, nếu không suốt ngày chủ tịch phường phải đi báo cáo, không còn thời gian để điều hành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận