Thông tin được nêu tại buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 giữa HĐND TP với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, chiều 24-5.
Giá bồi thường không phải giá từ bảng giá đất
Ông Trần Văn Bảy, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn nhận công tác phê duyệt giá với quy trình “dài ngoằng” là một trong những điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ giải ngân đầu tư công.
Vừa qua UBND TP có ban hành các quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất, như vậy các địa phương chỉ cần lấy hệ số đó đưa vào dự thảo phương án lấy ý kiến người dân để rút ngắn bớt quy trình.
Ông Bảy lưu ý đây là hệ số lấy ý kiến người dân chứ không phải là hệ số bồi thường. Nên sau khi lấy ý kiến người dân thì mới thuê đơn vị tư vấn thẩm định đưa ra giá bồi thường cuối cùng.
“Giá mà chúng ta bồi thường cho người dân, tôi xin khẳng định đó là giá của thị trường do đơn vị tư vấn lập chứ không phải giá trong bảng giá đất. Nhưng phương pháp chúng ta thực hiện là hệ số điều chỉnh giá đất nên vẫn lấy giá đó chia cho đơn giá trong bảng giá để ra hệ số. Nhiều người nghĩ chúng ta lấy bảng giá để bồi thường cho dân thì không phải”, ông Bảy nói và minh chứng gần đây hầu hết giá bồi thường bắt đầu tiệm cận giá thị trường - đơn cử như dự án vành đai 3 vừa rồi.
Giá bồi thường đất nông nghiệp ở TP.HCM cũng là vấn đề lãnh đạo sở này trăn trở, bởi thực tế đất nông nghiệp ở TP khác hẳn với đất thuần nông nghiệp ở các tỉnh nông thôn.
Lý giải nguyên do giá thấp, ông Bảy cho rằng khi thu thập giá thị trường qua thông tin giao dịch thành đa số các thông tin mua bán đất nông nghiệp giá rất thấp, chưa phản ánh trung thực và đúng đắn giá thị trường.
Do vậy, trong quá trình thu thập thông tin đơn vị tư vấn hiện phải dùng phương pháp phỏng vấn để thu thập, từ đó điều tiết đảm bảo giá hợp lý cho người dân.
Tỉ lệ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng gửi kho bạc cao
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết giai đoạn 2021 - 2025 sở này làm chủ đầu tư với bốn dự án trên địa bàn.
Trong đó hầu hết các dự án đều đang trong tiến độ hoàn tất, riêng dự án khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh) đã giải ngân 325 tỉ đồng, đạt 80%, còn lại đang vướng mắc về công tác bồi thường.
Về kết quả giải ngân các dự án được ghi vốn bồi thường năm 2022, theo ông Thắng, toàn TP có 197 dự án với tổng số vốn là 12.100 tỉ đồng, nhưng hiện giải ngân 9.740 tỉ, đạt tỉ lệ 80,5%, thực chi được 7.360 tỉ, đạt tỉ lệ 60,8%. Lãnh đạo sở này cho rằng tỉ lệ giải ngân - giải chi như trên chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân chủ yếu là công tác lập dự án của các chủ đầu tư chưa chính xác. Từ đó dẫn đến khi đi vào thực tế công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có phát sinh, phải điều chỉnh nhiều lần.
Hay một số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt, nhưng chủ đầu tư chậm ký hợp đồng với các địa phương.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của người dân tại một số quận, huyện chưa được quan tâm, thực hiện quyết liệt nên tỉ lệ tiền gửi kho bạc còn cao.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng đề nghị các sở ngành tập trung hết mức để hoàn thành dự án với những công đoạn còn lại.
Dự án mục tiêu 9 tháng nhưng 9 năm vẫn chưa hoàn thành
Cũng tại buổi giám sát, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết giai đoạn 2021 - 2023 sở này làm chủ đầu tư dự án “Xây dựng mới nhà xe hiện hữu để bố trí phòng làm việc và kho lưu trữ” cho chính sở. Vốn ban đầu dự tính khoảng 4,3 tỉ nhưng vốn hoàn thành đã lên 4,9 tỉ bởi từ mục tiêu đề ra là 9 tháng hoàn thành, dự án bị kéo dài đến 9 năm.
Nguyên nhân của việc chậm trễ do đơn vị thi công đã đơn phương tạm ngưng từ năm 2018. Đến nay dù dự án đã hoàn tất thi công nhưng công tác nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận