Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM theo kết luận 49 của Bộ Chính trị (đề án metro) xác định vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động tối đa mọi nguồn lực nhà nước, đa dạng hóa các phương thức đầu tư.
Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị dài 183km giai đoạn đến năm 2035.
Đấu giá các khu đất dọc metro số 1, 2 có nguồn thu hơn 76.000 tỉ đồng
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác metro (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 sơ bộ khoảng 837.249 tỉ đồng (tương đương 34,92 tỉ USD). Nguồn vốn này không bao gồm số tiền đã đầu tư cho metro số 1.
Theo đề án, một trong những nguồn vốn để triển khai các dự án sẽ được huy động từ việc đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách tại các khu đất dự kiến phát triển TOD (Transit - Oriented Development).
Nguyên tắc xác định điểm TOD là khu vực phát triển đô thị xung quanh ga và là đầu mối trung chuyển các phương thức giao thông. Phạm vi quy mô điểm TOD theo bán kính thời gian đi bộ hợp lý khoảng 800m.
Khu vực này có mật độ sử dụng đất cao, hỗn hợp đa dạng các hình thức sử dụng đất như nhà ở, văn phòng… Cuộc sống nơi đây có đầy đủ tiện ích, người dân có thể dễ dàng tiếp cận đến nhà ga bằng xe đạp hoặc đi bộ.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trước mắt nguồn thu cho ngân sách thành phố từ TOD đến năm 2035 khoảng 120.529 tỉ đồng (5,03 tỉ USD) sau khi đã trừ chi phí bồi thường tái định cư.
Cụ thể, kinh phí thu được từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 khoảng 8 vị trí với 62,8ha.
Dự kiến công tác triển khai đấu giá bắt đầu từ năm 2025. Khu vực này mang lại nguồn thu cho ngân sách khoảng 24.610,4 tỉ đồng.
Còn metro số 2 có hai vị trí với tổng diện tích 28,09ha. Khu vực này dự kiến triển khai đấu giá thu tiền trong giai đoạn 2028 - 2030, thu 11.464 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khu đất do Công ty TNHH MTV Cây trồng TP quản lý của tuyến metro số 1 nối dài (đoạn Bến Thành depot An Hạ) có diện tích 200ha.
Theo tính toán, sau khi thực hiện công tác hỗ trợ tài sản gắn liền với đất, TP bán đấu giá thu tiền trong giai đoạn sau năm 2028 thu được 40.000 tỉ đồng.
Các khu đất dọc tuyến metro 3, 4, 5 với tổng diện tích 357,2ha cũng sẽ bán đấu giá, thu được khoảng 74.074,4 tỉ đồng. Khu vực này dự kiến thực hiện giai đoạn sau năm 2028.
Huy động từ vốn vay, phần tăng thu ngân sách
Ngoài khoản thu từ TOD, TP.HCM dự kiến huy động từ nguồn vốn vay. TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại.
TP dự kiến huy động vốn bằng việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương cho giai đoạn từ 2025 - 2035 khoảng 155.000 tỉ đồng. Còn ngân sách TP trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 cũng ưu tiên bố trí vốn đầu tư metro với khoảng 206.500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, đối với dự án các tuyến đường sắt đô thị được phát triển trong tương lai có mang tính chất liên vùng, kết nối với các địa phương lân cận, TP cũng đề xuất ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu.
Dự kiến giai đoạn 2026- 2030, ngân sách trung ương hỗ tợ khoảng 176.665 tỉ đồng.
Ngoài ra, nguồn tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP... cũng sẽ giúp TP có thêm vốn để thực hiện cuộc đột phá về xây dựng, phát triển mạng lưới metro.
Đề án metro sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025
Siêu đề án metro tại TP Hà Nội và TP.HCM sẽ được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ trong tháng 7-2024 sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan liên quan. Dự kiến trong quý 3-2024, Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về đề án.
Sau đó, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách (để triển khai thực hiện đề án) tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận