Tọa đàm do Sở Du lịch TP.HCM, Sở Ngoại vụ và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam TP.HCM phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài TP.HCM năm 2023, với mong muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế về hình ảnh và sức sống của tà áo dài Việt.
Tọa đàm có sự tham dự của hơn 20 đại diện lãnh đạo của các cơ quan ngoại giao tại TP.HCM, tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự các nước Indonesia, Lào, Malaysia, Cuba, Campuchia, Bờ Biển Ngà, Morocco, Nga, Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Ý... Đặc biệt tổng lãnh sự, phu nhân tổng lãnh sự các nước cũng diện tà áo dài Việt Nam một cách duyên dáng và thoải mái.
Bạn bè 5 châu ấn tượng với áo dài Việt
Đại diện các nước Cuba, Lào, Indonesia… đều cho biết họ ấn tượng về chiếc áo dài Việt Nam, nhìn thấy ai mặc áo dài là biết người Việt Nam.
Các nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam, Trung Đinh, Năm Tuyền, nghệ sĩ Tuyết Mai cùng ông Nguyễn Văn Phúc - giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, ông Đoàn Hữu Đức - lãnh sự danh dự Morocco tại TP.HCM, tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai… quan tâm câu chuyện truyền tình yêu áo dài đến sinh viên, đưa áo dài thành trang phục thường ngày.
Tiến sĩ Lý Thị Mai - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu trang phục Việt, đại sứ Lễ hội Áo dài TP.HCM - cho biết muốn bảo tồn và phát triển áo dài cần đánh giá đúng vị thế của áo dài.
Người Việt yêu quý và trân trọng áo dài, coi đó là một di sản thiêng liêng do tổ tiên để lại. Bạn bè khắp năm châu cũng thiện cảm với áo dài Việt Nam.
“Ngày nay đất nước đổi mới, cánh cửa giao lưu rộng mở, hình ảnh rất mới của con người và đất nước Việt Nam đang lan tỏa khắp năm châu. Trong bối cảnh thuận lợi này, văn hóa trang phục Việt cần phải được cộng đồng thường xuyên chú ý và đề cao.
Trong văn hóa trang phục Việt, áo dài có ý nghĩa và giá trị, tôi nghĩ rằng nam nữ nên mặc áo dài trong các dịp lễ hội, đến công sở hoặc trường học, trong các sinh hoạt cộng đồng và trong gia đình. Áo dài sẽ tạo ra hình ảnh đáng yêu cho văn hóa trang phục Việt. Ta đẹp hơn trong ánh mắt của chính chúng ta, giàu thiện cảm hơn trong nhận xét của du khách bốn phương” - tiến sĩ Lý Thị Mai nhận định.
Áo dài là Việt Nam, Việt Nam là áo dài
Bà đề xuất nên có những hoạt động đề cao áo dài dành cho mọi lứa tuổi, thành lập nhiều câu lạc bộ áo dài, đồng thời tổ chức các cuộc thi áo dài cấp tỉnh hoặc quốc gia.
“Theo tôi, các vấn đề lớn hiện nay là tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền công nhận áo dài là của Việt Nam, phản ánh tinh hoa, cốt cách của trang phục Việt Nam; bản quyền áo dài là Việt Nam, không phải của bất cứ một quốc gia hay khu vực lãnh thổ nào khác; quảng bá mạnh mẽ cho áo dài Việt Nam trên khắp các châu lục, khiến thế giới sớm đồng nhất trong nhận thức rằng: Áo dài là Việt Nam, Việt Nam là áo dài” - bà Lý Thị Mai đề xuất.
Ông Đoàn Hữu Đức - lãnh sự danh dự Morocco tại TP.HCM - đề xuất thành lập bảo tàng số về áo dài, cũng là xu thế thời đại công nghệ số hiện nay.
“Phát triển kinh tế không thể không phát triển văn hóa, mong chính quyền, doanh nghiệp quan tâm hơn về phát triển bảo tàng số nói chung, bảo tàng số áo dài nói riêng. Bảo tàng số là cơ hội để cho chúng ta quảng bá văn hóa, đưa áo dài đến với đông đảo người dân”, ông Đoàn Hữu Đức nói.
Trải nghiệm thú vị với các workshop
Cũng trong buổi tọa đàm này, các đại biểu và khách mời được tham quan và trải nghiệm ba workshop thú vị. Đó là kỹ thuật nhuộm lụa ombre và vẽ thủ công trên lụa do nghệ nhân - nhà thiết kế Trung Đinh hướng dẫn.
Thương hiệu áo dài Năm Tuyền hướng dẫn tìm hiểu giá trị áo dài ngũ thân, trình diễn trang trí áo dài ngũ thân và trải nghiệm mặc thử áo dài. Nghệ nhân Năm Tuyền cho biết thời gian gần đây giới trẻ chuộng áo ngũ thân, nhất là dịp lễ Tết.
Nhà thiết kế đến từ Hà Nội Nguyễn Đức Huy - nhà sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong - hướng dẫn các khách mời về việc nhuộm thủ công từ các loại cây cỏ trong tự nhiên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận