29/12/2024 08:28 GMT+7

TP.HCM đề xuất giữ lại một số cơ quan đặc thù

TP.HCM sẽ giảm gần một nửa số đảng bộ trực thuộc Thành ủy và cắt giảm 30% cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Tuy nhiên với vai trò là siêu đô thị đặc biệt có hơn 10 triệu dân, TP.HCM đề xuất giữ lại một số cơ quan đặc thù.

TP.HCM đề xuất giữ lại một số cơ quan đặc thù - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TIẾN LONG

Ngày 28-12, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 35 nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bên cạnh thảo luận, cho ý kiến dự thảo báo cáo chính trị và các báo cáo chuyên đề trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, hội nghị cũng cho ý kiến về dự thảo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP.

Thường vụ Thành ủy đã làm rõ đặc thù của TP.HCM

Theo đề án mới, TP.HCM sẽ sắp xếp lại tổ chức bộ máy một cách toàn diện, với mục tiêu tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Số lượng cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Thành ủy sẽ giảm từ 6 xuống còn 5 cơ quan.

Các đảng bộ trực thuộc Thành ủy sẽ giảm mạnh gần 50%, từ 51 xuống còn 27 đảng bộ, bao gồm 22 đảng bộ quận, huyện, TP Thủ Đức và 5 đảng bộ cấp trên cơ sở.

Về cơ cấu hành chính, đề án đề xuất giảm số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM từ 21 xuống còn 15 cơ quan, giảm gần 30%. Riêng Sở An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được thí điểm theo nghị quyết 98 của Quốc hội và không nằm trong diện sắp xếp này. Số lượng cơ quan hành chính cũng sẽ giảm đáng kể từ 8 xuống còn 2 cơ quan, trong khi các đơn vị sự nghiệp sẽ giảm từ 35 xuống 32 đơn vị.

Ở cấp huyện, sau khi sắp xếp sẽ giảm 1 cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy. UBND TP Thủ Đức sẽ giảm từ 16 xuống 14 phòng chuyên môn, trong khi các quận, huyện khác sẽ giảm từ 12 xuống 10 phòng.

Đề án cũng đặt mục tiêu giảm 15% đầu mối và có lộ trình giảm biên chế theo quy định. Việc sắp xếp các cơ quan báo chí sẽ được thực hiện theo quyết định 362 của Thủ tướng về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết Ban Thường vụ Thành ủy đã họp cho ý kiến về dự thảo đề án sắp xếp bộ máy, trong đó làm rõ đặc điểm, tính chất, vai trò của TP.HCM để có những đề xuất phù hợp với đặc thù riêng của TP.

Ông dẫn ví dụ một số đặc thù như TP.HCM có Sở Ngoại vụ thuộc Bộ Ngoại giao quản lý hay Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ không có ở cấp bộ... Do vậy đề án sắp xếp lần này phải gắn với thực tiễn của TP.HCM, không cứng nhắc và mạnh dạn đề xuất những vấn đề cần thiết.

"TP.HCM chấp hành nghiêm chủ trương, quan điểm, yêu cầu của trung ương, đồng thời mạnh dạn đề xuất những kiến nghị phù hợp với đặc thù của TP khi tinh gọn bộ máy.

Chúng ta sắp xếp thế nào để tinh gọn bộ máy nhưng thực sự hiệu năng, hiệu quả, không vướng mắc, hoạt động trơn tru và bảo đảm bộ máy mới phải phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa; không lúng túng, không để trống địa bàn làm ảnh hưởng đến xã hội", ông Nên nhấn mạnh.

TP.HCM là siêu đô thị với hơn 10 triệu dân, do đó việc sắp xếp lại bộ máy phải phù hợp với khu đô thị đặc thù này, gắn liền với các đặc thù của TP.HCM, không thể áp dụng cách làm cơ học như các địa phương khác nhập sở này với sở kia, cắt bỏ cái này, cái kia.
PGS.TS PHAN THANH BÌNH (nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội)

Sắp xếp phù hợp với đặc thù siêu đô thị đặc biệt

PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc sắp xếp bộ máy tại TP.HCM cần có sự kết hợp giữa ba nghị quyết quan trọng gồm: nghị quyết 18 về cải cách bộ máy hành chính, nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM và nghị quyết 131 về chính quyền đô thị. Một số cơ quan độc lập và đặc thù thì phải giữ nguyên hoặc tăng các chức năng; một số cơ quan phải sáp nhập và một số cơ quan dừng hoạt động.

Đồng tình quan điểm trên, TS Nguyễn Trọng Hào - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cũng cho rằng trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, TP.HCM cần lưu ý việc tương quan với nghị quyết 98, cơ chế đặc thù dành cho TP.HCM.

"Nghị quyết 98 là một cơ chế rất tốt cho TP, giúp chúng ta thực hiện được nhiều việc mà các địa phương khác chưa làm được. 

Việc thực hiện nghị quyết 18 phải đồng thời giữ lại những yếu tố đặc thù của TP.HCM, như Sở An toàn thực phẩm. Những gì mang tính đặc thù của TP thì chúng ta nên mạnh dạn đề nghị với trung ương để tiếp tục duy trì", ông Hào nói.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng TP.HCM là một siêu đô thị, một đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vì vậy việc tinh gọn bộ máy phải tuân thủ nghị quyết 18 nhưng vẫn phải phù hợp với đặc thù của TP.

Do đó cần có thể xem xét để giữ lại một số cơ quan, đơn vị đặc thù của TP. Song song đó phát huy nghị quyết 98, đặc biệt là thẩm quyền chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị sau khi sắp xếp.

TP.HCM đề xuất giữ lại một số cơ quan đặc thù - Ảnh 2.TP.HCM đề xuất giữ lại Sở An toàn thực phẩm

Dự thảo đề án tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị TP.HCM có đề xuất cho phép tiếp tục hoạt động của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên