Đề xuất tính thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động hiện còn nhiều tranh cãi. Trong ảnh: Khách hàng trải nghiệm các mẫu điện thoại mới được giới thiệu ra thị trường - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nói rõ hơn về đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính mà TP.HCM có góp ý, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến rộng rãi các địa phương.
Mục tiêu là đảm bảo thu đúng, thu đủ, hạn chế thất thu thuế và có những điều chỉnh về chính sách thuế trong thời gian tới cho hợp lý. Không thể cứ nói mở rộng cơ sở thu là nói đến tăng thuế.
Tuổi Trẻ ghi nhận góp ý của các chuyên gia về thuế, Tổng cục Thuế về nội dung này.
* Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn: Đừng đánh thuế sản phẩm phổ biến
Nguyên lý của (TTĐB) là đánh vào những mặt hàng không khuyến khích, có hại cho sức khỏe hoặc hàng hóa xa xỉ để định hướng tiêu dùng chứ không phải tìm kiếm nguồn thu ngân sách. Trong khi điện thoại di động, camera là những mặt hàng đã quá phổ biến, được khuyến khích sử dụng, do vậy đề xuất này mang lại cảm nhận tìm kiếm nguồn thu nhiều hơn.
Trên thực tế, việc quản lý các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu bia, thuốc lá... hiện chưa chặt chẽ. Cơ quan quản lý chỉ đánh thuế được với những doanh nghiệp sản xuất, trong khi thị trường nhan nhản hàng lậu.
Nếu vì mục tiêu tăng thu, theo tôi, nên khai thác những nguồn thu đã có nhưng còn thất thoát, thay vì tìm cách đánh thuế trên nguồn đại trà, dễ thu. Những nguồn thu còn thất thoát là thương mại điện tử, doanh thu từ Google, Facebook, chuyển giá...
* Ông Lưu Đức Huy (vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế): Để đảm bảo công bằng
Mở rộng cơ sở thuế không chỉ là tăng thuế mặt hàng này hay đưa vào diện thu thuế với hàng hóa, dịch vụ kia mà còn là đưa ra các chính sách, biện pháp để thu đúng, thu đủ, đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp.
Theo đó, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu để có những chính sách quản lý thuế đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5 này có bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú ở VN có hoạt động thương mại điện tử thì phải đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại VN.
Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy trình đăng ký thuế đơn giản, mở trên website của tổng cục ứng dụng để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại VN thì đăng ký để kê khai, nộp thuế qua mạng.
* Ông Nguyễn Đức Nghĩa (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM): Nên đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi
Những sắc thuế hiện nay chúng ta đang thất thu rất nhiều, nợ thuế cũng lớn. Trước khi mở rộng cơ sở thu nên nhìn lại dư địa thu còn bỏ ngỏ, trong đó có thuế tài sản.
Trước đây đã đặt ra việc thu thuế tài sản nhưng do đề xuất chưa hợp lý nên không được đồng tình. Nay theo tôi, nên đặt lại câu chuyện này với đề xuất hợp lý hơn, chỉ nên đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi.
Nên khắc phục việc kê khai giá trị bất động sản thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Một chuyên gia của Tổng cục Thuế: Không nên đánh thuế điện thoại di động
Dùng thuế TTĐB làm công cụ để điều tiết tiêu dùng chắc chắn cần cân nhắc nhắm vào mặt hàng nào. Áp thuế TTĐB với điện thoại di động theo tôi là không nên vì sẽ tác động rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế số hiện nay.
Cơ quan thuế cũng nên khuyến khích các hộ kinh doanh sử dụng điện thoại để có thể nộp thuế trực tiếp. Điện thoại di động chỉ là một phương tiện rất phổ thông mà không có gì là xa xỉ cả.
Nếu đánh thuế thì sẽ hạn chế quyền tiếp cận, sử dụng sản phẩm phục vụ rất nhiều cho cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận