Theo đó, vào năm 2022, UBND TP.HCM đã có chủ trương thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trong thời gian 24 tháng, kể từ khi các tuyến xe buýt điện chính thức hoạt động.
Đến tháng 3-2022, Công ty TNHH vận tải sinh thái Vinbus - chi nhánh TP.HCM thuộc Tập đoàn Vingroup đã chính thức vận hành thí điểm tuyến xe buýt điện có trợ giá đầu tiên (tuyến D4).
Theo UBND TP, kể từ khi đi vào hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tuyến xe buýt điện D4 đã mang lại những tín hiệu tích cực. Khối lượng vận chuyển của tuyến tăng dần, có nhiều ý kiến khen ngợi, đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ, phương tiện hiện đại, không phát thải.
TP ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Tập đoàn Vingroup, góp phần phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, UBND TP đã có quyết định điều chỉnh thời gian thí điểm xe buýt điện đến hết quý 1-2025. Các nội dung khác bao gồm cả tỉ lệ trợ giá/chi phí không thay đổi theo chủ trương đã được phê duyệt năm 2022.
Vì vậy, UBND TP đề nghị Tập đoàn Vingroup tiếp tục phát huy tinh thần kiên trì và sáng tạo của doanh nghiệp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động các tuyến buýt điện thí điểm cho đến hết quý 1-2025.
Đồng thời thường xuyên phối hợp, tham gia góp ý với Sở Giao thông vận tải TP.HCM và các cơ quan chức năng của TP nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng xanh, sạch, an toàn, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trong 5 tuyến được chấp thuận thí điểm, đến nay mới chỉ vận hành một tuyến buýt điện D4.Theo báo cáo của Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến 4 tuyến còn lại chậm đưa vào vận hành.
Cụ thể, để tổ chức hoạt động 5 tuyến buýt điện (quy mô gần 100 xe), đơn vị đã tìm kiếm và đầu tư quỹ đất xây dựng depot với diện tích 1,5 - 2ha. Tuy nhiên quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định, phê duyệt từ nhiều sở ngành. Vì vậy, việc thời gian triển khai xây dựng depot bị kéo dài.
Mặt khác, tỉ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp (44,1%), chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel, CNG (mức 66,4%). Vì vậy, tuyến buýt điện D4 đang bị lỗ trong thời gian chạy thí điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận