14/03/2019 09:50 GMT+7

TP.HCM, ĐBSCL 'đỏ mắt' tìm công nhân chế biến thủy sản

N.HIỂN - T.TRÌNH - B.ĐẤU - N.HÙNG - K.NAM
N.HIỂN - T.TRÌNH - B.ĐẤU - N.HÙNG - K.NAM

TTO - Nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở TP.HCM, ĐBSCL vẫn thiếu lao động trầm trọng. Doanh nghiệp nói đã tăng lương, trong khi công nhân thủy sản nói phải chuyển nghề vì cuộc sống bấp bênh.

TP.HCM, ĐBSCL đỏ mắt tìm công nhân chế biến thủy sản - Ảnh 1.

Nhiều công nhân thủy sản nói công việc nhọc nhằn, lương bấp bênh khiến họ bỏ việc - Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Tình trạng thiếu hụt một số thời điểm trong năm vốn diễn ra từ nhiều năm nay nhưng nay kéo dài hơn sau tết, nghiêm trọng nhất là ngành . Tiền lương vẫn là vấn đề khó tìm được tiếng nói chung.

Tăng lương vẫn khó tuyển

Tại TP.HCM, đến tháng 3, nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt công nhân. Dù đăng tuyển liên tục song các DN vẫn loay hoay chưa tuyển đủ số lượng. Theo ghi nhận, tại các khu công nghiệp ở TP như Tân Thới Hiệp, Vĩnh Lộc, Bình Chiểu... các công ty thủy sản đều treo biển tuyển công nhân từ vài chục đến hàng trăm người.

Bà Trần Thị Hạnh - phó tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Gió Mới (Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp) - cho biết việc thiếu hụt nhân sự chế biến thủy sản bắt đầu từ 3-4 năm trở lại đây và là thực trạng chung của nhiều công ty dù đã tăng lương thưởng, phúc lợi cho công nhân.

Theo bà Hạnh, lý do lớn nhất khiến người lao động không còn mặn mà với các công ty chế biến thủy sản bởi công việc này phần lớn phải làm thủ công, môi trường làm việc lạnh, ẩm ướt và hôi tanh.

Ông Nguyễn An Ninh, tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX), cho biết dù công ty có tuyển công nhân nhưng chưa thu hút như mong đợi. Nhà máy hiện thiếu nhiều lao động, công ty có xe 40 chỗ ngồi về các huyện rước công nhân liên tục nhưng vẫn không đủ.

Ở An Giang, ông Ngô Văn Thu - tổng giám đốc Công ty CP Việt An (Anvifish) - cho biết lương công nhân trong công ty của ông là 5-5,5 triệu đồng/tháng, số cao hơn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, số ít được hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ông Doãn Tới, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Việt, cho rằng lương công nhân khá cao so với mặt bằng nhưng do cực nhọc quá nên nhiều em đã nghỉ, chuyển sang ngành dệt may khỏe hơn. Hiện các công ty thủy sản của ông thiếu hụt khoảng 1.000 công nhân.

"Lương ở đây dao động 8-10 triệu đồng nếu làm nguyên tháng, cũng có người lên 14-15 triệu đồng" - ông Tới nói.

Công nhân nói thu nhập bấp bênh

Là công nhân có thâm niên gần 9 năm làm việc tại nhà máy chế biến thủy sản của Tập đoàn thủy sản MP (TP Cà Mau), chị Nguyễn Thi Nhiên cho biết thu nhập hiện tại ở mức đủ sống. Lương cơ bản của chị hằng tháng sau khi trừ các loại bảo hiểm thì còn hơn 4,2 triệu đồng, cộng thêm lương tăng ca được 6,5-7,5 triệu đồng.

"Tùy theo tháng, tôm nhiều hay ít mà có tăng ca hay không. Làm theo giờ quy định thì lương thấp, những công nhân có con nhỏ thì đời sống chật vật" - chị Nhiên chia sẻ.

Anh Hà Văn Tuấn, công nhân một nhà máy chế biến thủy sản ở An Giang, cho biết đã gắn bó với nghề thủy sản hơn 12 năm, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thực tế công nhân bỏ đi cũng cơ bản vì mưu sinh, vì thu nhập.

Ông Nguyễn Hoàng Năng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - cũng cho rằng môi trường làm việc cộng với lương bổng, phúc lợi xã hội chưa tốt của một số công ty thủy sản kém hấp dẫn đối với người lao động.

Đãi ngộ tốt để giữ chân công nhân

Ông Trần Quốc Dũng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Kiên Hùng, có 5 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu - cho biết nhiều năm qua DN chưa từng lâm vào cảnh thiếu công nhân.

Theo ông Dũng, chế độ đãi ngộ tốt là yếu tố tiên quyết để giữ chân người lao động gắn bó lâu dài. Công ty Kiên Hùng là DN đầu tiên xây ký túc xá cho công nhân ở xa. Công ty cũng hỗ trợ tiền vé xe cho công nhân về quê vào các dịp nghỉ.

"Điều kiện làm việc trong ngành thủy sản có đặc thù là đứng nhiều, môi trường nhiệt độ thấp... nên phải trang bị bảo hộ đầy đủ cho công nhân. Hằng tháng ngoài tiền lương, công nhân sẽ hưởng thêm các khoản hỗ trợ độc hại..." - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Thiện Phú, chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang, cho hay sắp tới liên đoàn lao động sẽ phối hợp tổ chức tuyển dụng lao động và tập huấn tay nghề, yêu cầu công ty cho công nhân thi nâng cao tay nghề để họ được nâng lương. "Có vậy công nhân mới có tay nghề cao, năng suất và hiệu quả công việc cao hơn" - ông Phú nói.

Tăng máy móc thay thế

Theo thống kê, 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL có hơn 300 nhà máy chế biến thủy sản (chiếm 50% cả nước), với tổng công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn/năm, kim ngạch trên 5 tỉ USD/năm. Các nhà máy này cần hàng trăm ngàn lao động. Tình trạng thiếu hụt lao động để thực hiện các đơn hàng khiến nhiều DN phải tìm cách thích ứng, trong đó có giải pháp lương, đồng thời tăng tự động hóa.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Gió Mới Trần Thị Hạnh cho biết công ty đã thay thế một số khâu bằng máy móc hiện đại như ở khâu phân loại tôm, trước đây công nhân phải phân loại bằng tay thì hiện nay đã có những máy móc thay thế. Ngoài ra, các loại băng chuyền chuyên dụng được công ty đầu tư cũng đã nâng cao hiệu suất để thay thế việc làm của công nhân trước đây.

Trả lương 14 triệu đồng vẫn khó tìm công nhân thủy sản

TTO - Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại An Giang ngày 18-2, nhiều doanh nghiệp kinh doanh, chế biến xuất khẩu cá tra đã kêu khó về tình hình thiếu nhân công.

N.HIỂN - T.TRÌNH - B.ĐẤU - N.HÙNG - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên