Thiết kế bệnh viện thiếu đường đi
Qua buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận công tác triển khai đầu tư công trên địa bàn TP.HCM rất chậm, thậm chí có một số dự án còn chưa giải ngân. Cụ thể, quý 1-2023 tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 4%.
Theo bà Lệ, qua quá trình theo dõi và kiểm tra, HĐND TP xác định có 9/23 dự án chậm trễ giải ngân. Nguyên nhân chính là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bên có liên quan.
"Tại sao dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi lại thiết kế không có đường đi cho người dân? Tại sao dự án xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP trì trệ và phát sinh thêm chi phí khác?..." - bà Lệ đặt vấn đề.
Vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, làm phát sinh khối lượng, hạng mục. Công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công.
Để tránh lãng phí thời gian và ngân sách, bà Lệ yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan khi chọn các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công cần phải chính xác, chuyên nghiệp.
Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu cần nhanh chóng lập đề án xây dựng các công trình, chuẩn bị tốt các nội dung, đề cương giám sát để trình UBND TP. Đồng thời, Sở Tài chính phối hợp với các quận, huyện nhanh chóng giải tỏa, bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư công.
Nhiều dự án chậm trễ, phát sinh
Theo báo cáo tổng kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2023 được Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp báo cáo, 23 dự án với tổng số vốn hơn 3.667 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân hơn 147 tỉ dồng.
Nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân thấp là do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, đơn vị thi công trì trệ.
Trong đó, với dự án xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP, đơn vị thi công không triển khai thực hiện thi công theo hợp đồng, dẫn đến các gói thầu khác không thể phối hợp để hoàn thiện công trình.
Đối với dự án xây dựng hàng rào, san lấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, hiện nay do công tác thiết kế chiếm hết đường đi hiện hữu khiến hộ dân sẽ không có lối đi. Vì vậy, nhiều hộ dân không đồng ý, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng để thi công dự án.
Đối với dự án xây dựng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn vướng 10 hộ dân.
Đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh), hiện có 34/93 hộ đã bàn giao mặt bằng, còn nhiều hộ chưa bàn giao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận