Sở này cho biết đây là dấu mốc giúp người dân TP tiếp cận với thông tin về chất lượng môi trường, tài nguyên nhanh hơn so với trước đây. Trung tâm này cũng nằm trong chương trình giảm ô nhiễm môi trường của TP thời gian tới.
Kết quả quan trắc sẽ nhanh hơn
Trụ sở mới là công trình bao gồm nơi làm việc và bốn trạm quan trắc tự động được lắp đặt bên ngoài, truyền số liệu về trung tâm này. Nhiệm vụ chính của trung tâm có chức năng, nhiệm vụ về quan trắc, giám sát, đánh giá, điều tra về tài nguyên và môi trường.
Bên cạnh đó là công bố thông tin về chất lượng môi trường TP đến người dân, đưa ra các cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường.
Nhiệm vụ thứ hai là thu thập và cung cấp dữ liệu về môi trường. Trong đó có dữ liệu về nước thải của các nguồn thải lớn trên địa bàn TP. Hiện nay, dữ liệu thu thập từ các khu chế xuất, khu công nghiệp đang được truyền về trung tâm. Từ đó sở có thể quản lý được việc xả thải, gây ô nhiễm và đưa ra cảnh báo.
Dữ liệu này còn được truyền trực tiếp về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - cho biết: "Khi trung tâm này đi vào hoạt động thì kết quả quan trắc sẽ nhanh hơn, bởi trước đây không có chỗ bố trí phòng thí nghiệm.
Còn bây giờ trụ sở có phòng thí nghiệm nên có vấn đề gì liên quan sẽ tiến hành làm luôn và cho ra kết quả. Khi các cơ quan chuyên môn của trung tâm tập trung tại chỗ và liên thông với nhau thì công việc sẽ nhanh hơn".
Gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường là bước đầu của công tác đầu tư về quan trắc tại TP.HCM.
Theo ông Thắng, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang được TP.HCM dành cho một gói đầu tư công về nâng cao năng lực quan trắc. Mục tiêu đến năm 2030, công tác quan trắc sẽ gắn với phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Theo lộ trình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc sở, khoảng năm 2025 sẽ khởi công xây dựng các trạm quan trắc tự động trên toàn địa bàn TP. Cụ thể là 57 điểm, vị trí quan trắc theo quy hoạch.
"TP chưa có quan trắc tự động nên vẫn làm thủ công. Nhược điểm của cách làm thủ công là sẽ có kết quả chậm. Do đó khi đã đầu tư hoàn chỉnh thì việc quan trắc của TP sẽ nhanh hơn, chính xác hơn", ông Thắng nói.
34 vị trí quan trắc chất lượng không khí
Hiện nay hệ thống quan trắc tại TP.HCM đang làm nhiệm vụ lấy mẫu, phân tích tại 34 vị trí quan trắc chất lượng môi trường không khí; 22 vị trí quan trắc chất lượng môi trường nước sông Sài Gòn - Đồng Nai; 46 vị trí nội thành và 34 vị trí ngoại thành, liên tỉnh về quan trắc chất lượng môi trường nước kênh rạch; 9 vị trí quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ...
Đồng thời sở cũng tiếp nhận, quản lý số liệu chất lượng nước thải, khí thải của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các nguồn thải lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận