26/11/2019 06:58 GMT+7

TP.HCM đặt tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, Đà Nẵng chưa đặt vì tranh cãi

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Việc TP Đà Nẵng dự định lấy tên hai người đã góp công hình thành chữ quốc ngữ là giáo sĩ Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Pháp) để đặt tên đường đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

TP.HCM đặt tên đường Alexandre de Rhodes từ lâu, Đà Nẵng chưa đặt vì tranh cãi  - Ảnh 1.

Con đường mang tên Alexandre de Rhodes tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Họ sáng tạo ra hệ thống chữ quốc ngữ là từ thế kỷ 17, còn thực dân Pháp xâm lược nước ta ở thế kỷ 19, một quãng thời gian khá xa để "xét tội" của họ. Tôi nghĩ rằng những nhận xét về lịch sử là cả một quá trình mà càng về sau thì sự tiếp cận càng thấu đáo và chính xác hơn. Ta phải công bằng.

Ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng (phó chủ tịch Hội đồng đặt, đổi tên đường)

Đề xuất đặt tên đường cho hai vị giáo sĩ là để ghi nhận và tôn vinh công lao hai nhân vật liên quan mật thiết đến quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ của Việt Nam, nhưng Đà Nẵng đang tạm thời gác lại dự định trước các ý kiến phản biện.

Còn "lăn tăn" với nhân vật

Mới đây, một nhóm 12 nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử do PGS.TS Lê Cung, Trường ĐH Sư phạm Huế (ĐH Huế), đại diện đã đồng đơn kiến nghị lên lãnh đạo Đà Nẵng cho rằng không nên lấy tên hai vị giáo sĩ này để đặt cho đường phố, trường học...

Ba nhóm luận điểm được các nhà nghiên cứu lịch sử nêu ra kèm các trích dẫn là các nhân vật trên dù có công nhưng không phải người sáng tác chữ quốc ngữ và việc góp phần truyền bá chữ quốc ngữ là nhằm "dọn đường" cho thực dân vào đất nước ta.

PGS.TS Trần Thuận - nguyên phó trưởng khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), người từng là thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường ở một số tỉnh miền Nam - cũng cho rằng không nên lấy tên hai người nước ngoài này đặt tên đường.

"Đóng góp trong vai trò hình thành chữ quốc ngữ của hai nhân vật này thì chúng ta không phủ nhận, nhưng với những nhân vật vẫn còn "lăn tăn" thì nên loại từ đầu" - PGS Thuận phân tích.

Đồng kiến nghị việc dừng đặt tên đường đối với hai vị linh mục này, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân cho rằng "chỉ nên vinh danh những người có công" với đất nước.

Vì sao "tạm gác" đề xuất đặt tên đường?

Ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP Đà Nẵng (phó chủ tịch Hội đồng đặt, đổi tên đường), cho biết đề án đặt, đổi tên gần 140 đường và công trình công cộng trên địa bàn mới đưa ra lấy ý kiến trước khi trình HĐND thì gặp nhiều ý kiến trái chiều, tranh cãi chưa ngã ngũ nên lãnh đạo thành phố đã tạm thời "gác" lại, chưa trình tên đường hai linh mục này trước HĐND vào kỳ họp cuối năm.

Trước đó, tên tuổi hai vị giáo sĩ này được đề nghị lấy ý kiến để đặt tên cho hai tuyến đường (7,5m và 10,5m) ở khu đông nam đài tưởng niệm thuộc quận Hải Châu.

"Gác" lại việc đặt tên, nhưng với quan điểm cá nhân, ông Hùng cho rằng những lập luận của 12 nhà nghiên cứu trên chưa thuyết phục. Trước hết, theo ông Hùng, quá trình hình thành chữ quốc ngữ là công trình tập thể.

Tuy nhiên công trạng của hai nhà truyền giáo đối với vai trò tạo ra từ điển để hình thành loại chữ này thì không ai phủ nhận được. Đặc biệt là mới đây, hai cuộc hội thảo lớn được tổ chức tại Bình Định và Quảng Nam đã nêu bật công lao này.

Ông Hùng cũng cho biết vào tháng 12 tới đây, tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra hội thảo liên quan đến chữ quốc ngữ.

TP.HCM đã có tên đường Alexandre de Rhodes

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc đặt tên đường do HĐND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định. Do đó, nếu một số người dân không đồng ý với việc dùng tên một danh nhân để đặt tên đường thì có thể kiến nghị HĐND xem xét.

Về chọn tên đường, phố; khoản 5, điều 10 nghị định 91/2005/NĐ-CP có quy định đường, phố được đặt tên có thể là tên danh nhân bao gồm cả danh nhân nước ngoài.

Danh nhân đó phải là người nổi tiếng, có đức, có tài, có đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như của địa phương hoặc có đóng góp đặc biệt cho đất nước, có công lớn trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc, được nhân dân suy tôn và thừa nhận. Những nhân vật lịch sử còn có ý kiến đánh giá khác nhau hoặc chưa rõ ràng về mặt lịch sử thì chưa xem xét đặt tên cho đường, phố và công trình công cộng.

Ông nêu góc nhìn cá nhân: "Ở TP.HCM cũng có con đường Alexandre de Rhodes đối diện với đường Hàn Thuyên. Hai con đường này nằm hai bên công viên 30-4, có ý nghĩa rất thú vị.

Một bên đường Alexandre de Rhodes được xem là ông tổ chữ quốc ngữ, một bên là đường Hàn Thuyên - ông tổ chữ Nôm. Tại Đông Nam Á, Đông Bắc Á, những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, thì Việt Nam là nước duy nhất không dùng chữ tượng hình, hoặc đối với các nước chịu ảnh hưởng của Ấn Độ thì sẽ bị ảnh hưởng của chữ Phạn. Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực dùng chữ Latin, cũng vì thế mà trong nhiều khía cạnh chúng ta phát triển rất nhanh".

TUYẾT MAI ghi

Cần Thơ lắp biển tên đường có tiểu sử danh nhân và thông tin... nghị quyết Cần Thơ lắp biển tên đường có tiểu sử danh nhân và thông tin... nghị quyết

TTO - Mỗi tấm biển có các thông tin chiều dài, điểm đầu - điểm cuối; năm sinh - năm mất, chức vụ, công trạng... của danh nhân. Điều tranh cãi là trên tấm biển này có cả thông tin nghị quyết của HĐND thành phố về việc đặt tên đường...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên