Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP dự thảo góp ý, xây dựng chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy TP triển khai kết luận số 49 của Bộ Chính trị.
Theo tờ trình, mục tiêu đến năm 2024, TP sẽ hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường sắt, đường sắt đô thị; cập nhật vào đồ án quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành đường sắt. Trong đó, nghiên cứu chuyển đoạn tuyến hiện hữu đường sắt TP.HCM - Hà Nội từ ga Bình Triệu đến ga Sài Gòn thành đường sắt đô thị.
Lộ trình đến 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đường sắt khác trên địa bàn TP đã được xác định đầu tư giai đoạn 2021 - 2030.
Các tuyến này bao gồm: TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM - Lộc Ninh. Hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP để đến 2030, ưu tiên khởi công tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và TP.HCM - Cần Thơ.
Cũng đến năm 2025, hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Hoàn thành giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP để giai đoạn 2026 - 2030 khởi công đoạn TP.HCM - Nha Trang.
Đến năm 2030, TP phấn đấu đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch.
Đến năm 2035, hoàn thành toàn bộ mạng lưới các tuyến chính hệ thống metro theo quy hoạch và một số tuyến đường sắt đô thị các loại hình khác để phụ trợ, phát huy hiệu quả hơn cho metro.
Định hướng đến 2045, đoạn tuyến hiện hữu từ ga Bình Triệu đến ga Sài Gòn của đường sắt Hà Nội - TP.HCM sẽ chuyển thành đường sắt đô thị.
Cùng với đó, triển khai thực hiện đường sắt đô thị kết nối nội vùng. Trong đó, nối dài các tuyến metro 1, 3a, 3b với các tuyến đường sắt đô thị ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), Tân An (Long An), Thủ Dầu Một (Bình Dương). Xây dựng đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh để kết nối vào mạng đường sắt Xuyên Á.
Kết luận số 49 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu là triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị có sức chuyên chở khách lớn, hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035.
Khởi công các đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó có đoạn TP.HCM - Nha Trang giai đoạn 2026 - 2030 để hoàn thành toàn bộ tuyến "trục xương sống" này trước năm 2045.
Phấn đấu khởi công một số tuyến đường sắt quan trọng khác như: TP.HCM - Cần Thơ, Thủ Thiêm - Long Thành...
Đây là các dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc xây dựng và ban hành chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về triển khai thực hiện kết luận số 49 của Bộ Chính trị nhằm huy động cả hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả, cụ thể hóa mục tiêu phát triển mạng lưới đường sắt.
Quy mô hai tuyến đường sắt đi nối TP.HCM
Hai tuyến đường sắt: TP.HCM - Cần Thơ và Thủ Thiêm - Long Thành hiện đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai nghiên cứu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km, đi qua TP.HCM 11,8km, còn lại qua tỉnh Đồng Nai. Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng.
Còn với dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đi qua 5 tỉnh thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với 9 nhà ga.
Dự án có tổng chiều dài 134,9km với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận