Mô hình đào đường bằng khoan kích ngầm
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều công trình đào đường bằng robot khoan ngầm thay cho đào đường hở vừa được triển khai.
Theo đó, sử dụng robot khoan ngầm tại các dự án đào đường Tạ Quang Bửu băng qua đáy kênh Xáng (Q.8) để lắp đặt đường dây cáp điện, dự án đào đường tại giao lộ Quốc lộ 1 - đường Phan Văn Hớn (Q.12) để lắp đặt tuyến ống cấp nước và công trình đào đường ngầm lắp đặt tuyến cống thoát nước công viên dạ cầu Sài Gòn…
Trên công trình đào ngầm bằng robot ở đường Tạ Quang Bửu, ông Trần Văn Chín - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty VMC (nhà thầu thi công) cho biết mặt đường chật hẹp, gần với các đường ống cấp thoát nước nên sẽ khó khăn khi di dời ống để thi công.
Do đó, việc đào bằng phương pháp khoan ngầm kéo ống HDPE (khoan robot) có hiệu quả cao hơn đào hở.
Các kỹ sư và công nhân đang vận hành robot đào đường ngầm Tạ Quang Bửu - Ảnh V.CHÍN
Theo ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông vận tải, các công trình đào đường ngầm bằng robot không gây cản trở nhiều về giao thông, đảm bảo kết cấu nền đường không bị lún sụt so với đào hở.
Giải thích về việc người dân thắc mắc ở công trình đào ngầm có rào chắn nhưng không có người thi công, ông Ngô Hải Đường cho biết trên tuyến đường đào ngầm có 2 vị trí rào chắn, trong đó ở vị trí rào chắn thứ nhất có kỹ sư, công nhân vận hành thiết bị đưa robot xuống lòng đất, vị trí rào chăn thứ 2 là miệng giếng để đưa robot lên nên không cần có người thi công.
Sở Giao thông vận tải cho biết có đến 88 tuyến đường có mật độ giao thông cao bắt buộc phải sử dụng robot khoan ngầm để lắp đặt công trình ngầm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận