Hệ thống giao thông thông minh cung cấp dữ liệu phạt nguội
Ngày 19-9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Trường đại học Bách khoa TP.HCM đã tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp thu thập và phân tích dữ liệu lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải, trong đó có hệ thống giao thông thông minh.
Hội nghị có sự tham gia của các cục, vụ thuộc Bộ Giao thông vận tải, các trường đại học và sở giao thông vận tải các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Hà Nội...
Ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP - cho hay hiện TP đang quản lý 9 triệu phương tiện gồm 7,8 triệu xe máy và 865.000 ô tô. Dân số cùng lượng xe đang tăng tạo áp lực cho giao thông rất lớn. Vì vậy, ngành giao thông đang tiếp tục nắm bắt các nghiên cứu mới về khoa học kỹ thuật, công nghệ xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh.
Theo ông Tấn, từ năm 2019, trung tâm điều hành giao thông thông minh đầu tiên được đưa vào hoạt động. Trung tâm kết nối 875 camera giao thông, 118 camera quan trắc giao thông và 216 đèn tín hiệu ở khu vực trung tâm…
Ngoài chức năng cung cấp dữ liệu cho người dân tình hình giao thông trên website, ứng dụng trên điện thoại di động, trung tâm còn chuyển thông tin phương tiện vi phạm cho lực lượng chức năng xử phạt nguội.
Theo PGS.TS Trần Minh Quang - trưởng bộ môn hệ thống thông tin, khoa khoa học và kỹ thuật máy tính Trường đại học Bách khoa TP.HCM, hiện trung tâm điều hành giao thông TP có kết nối 875 camera, lắp chủ yếu tại các tuyến đường, giao lộ quan trọng. Tuy nhiên có một nguồn dữ liệu rất đa dạng từ cộng đồng từ các doanh nghiệp, người tham gia giao thông mang tính bao phủ rộng cũng cần được khai thác hiệu quả.
"Nguồn dữ liệu này khi được truyền về trung tâm phân tích và cung cấp, điều tiết giao thông sẽ phục vụ rất hiệu quả trong việc phân tích, điều hành giao thông không chỉ cho TP.HCM mà cho cả các đô thị lớn trên cả nước", PGS.TS Trần Minh Quang nói.
Cần làm chủ công nghệ
Theo GS.TS Vũ Lê Hải - phó trưởng khoa nghiên cứu kỹ thuật của Trường đại học Monash (Úc) - đã chia sẻ mô hình tiên tiến về mô phỏng về hành vi, hành trình của người dân để hình thành bức tranh ở tổng thể, giúp việc quản lý và quy hoạch giao thông trong tương lai tốt hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu, các trường đại học mong muốn được kết nối với các chuyên gia Trường đại học Monash (Úc) để hỗ trợ, đào tạo nhân lực tiếp nhận công nghệ bởi đây là vấn đề thách thức cho TP.
Về đề xuất này, GS.TS Vũ Lê Hải cho hay sẵn sàng hỗ trợ, kết nối thêm với các chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài để hỗ trợ chuyển giao kiến thức hàng đầu trên thế giới về giúp TP.HCM và cho đất nước. Đồng thời, đào tạo đội ngũ để nắm bắt và tiếp tục phát triển công nghệ trong nước.
"Công nghệ thay đổi từng ngày, nếu chúng ta chỉ đi mua những cái có sẵn sẽ rất khó làm chủ. Nhà thầu họ chỉ muốn bán công nghệ, thiết bị cho mình, chứ không phải muốn làm cùng với mình. Vì vậy, công tác đào tạo, nâng tầm kiến thức là vấn đề rất quan trọng", GS.TS Vũ Lê Hải nói.
Thông qua sự hỗ trợ của PGS.TS Ngô Duy Đông và GS.TS Vũ Lê Hải, ngành giao thông và các trường đại học mong muốn được kết nối thêm với các chuyên gia của nước ta đang làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ, đào tạo chuyển giao về các công nghệ mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận