Ông Trương Thế Trọng - chánh tòa hành chính - phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: TUYẾT MAI
Một trong những nội dung được Ban pháp chế quan tâm là việc giải quyết án hành chính. Ông Lê Thanh Phong - chánh án TAND TP.HCM - cho biết đến nay tòa án đã tổ chức 5 vụ đối thoại trực tuyến án hành chính.
Ông Phong cho biết thay vì phải đến tòa, người dân có thể ở nhà hoặc đến tòa án gần nhất để kết nối với tòa án, đối thoại với người bị kiện.
Ông Trương Thế Trọng - chánh tòa hành chính TAND TP.HCM - cũng cho biết thêm đặc thù án hành chính cần sự phối hợp rất cao từ người bị kiện (thường là chủ tịch UBND - PV). Sự phối hợp này hiện nay còn nhiều lý do tồn đọng. Việc người bị kiện vắng mặt hay chậm trễ trả lời khiến tòa án bị động, phải chờ đơn vị tham mưu trả lời.
"Luật tố tụng hành chính quy định người bị kiện là chủ tịch UBND thì được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng nhưng hầu hết người được ủy quyền cũng xin vắng mặt. Về luật vắng mặt là không sai nhưng việc giải quyết sẽ gặp khó khăn. Bởi có những vụ việc cần sự có mặt trực tiếp, cần quyết định của người bị kiện mà người được cử đi thay không có thẩm quyền. Ví dụ nếu người khởi kiện có mặt thì nhiều vụ có thể đối thoại tại tòa.
Về phía người dân cũng muốn đối thoại trực tiếp với người ký quyết định" - ông Trọng nêu.
Cũng theo lãnh đạo tòa hành chính, tòa hành chính nói riêng và TAND TP nói chung đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc đối thoại trực tuyến.
Bên cạnh đó, ông Trọng cũng kiến nghị cần có quy trình cụ thể để cơ quan tham mưu có phản hồi nhanh, đúng thời hạn, người bị kiện cung cấp hồ sơ, chứng cứ kèm theo và hạn chế sự vắng mặt của người được ủy quyền.
Một trong những khó khăn nhiều thẩm phán nêu tại buổi giám sát là việc thiếu hụt trầm trọng thư ký. Hiện nay 1 thư ký phải làm việc cho 2, 3 thẩm phán. Số lượng thư ký không đủ trong khi khối lượng công việc rất nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận