Sáng 3-8, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp lần thứ 5 Hội đồng tư vấn triển khai nghị quyết 98. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM tổng kết 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết 98.
Nhiều kết quả khả quan
Đánh giá kết quả đạt được, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM - cho rằng sau 1 năm thực hiện nghị quyết 98, TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả rõ ràng. Nghị quyết đã lan tỏa, giúp TP.HCM vực dậy và phát triển.
Ông Ngân dẫn chứng nếu năm 2021, TP.HCM chỉ đóng góp khoảng 15,8% GDP cả nước thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉ lệ này là 16,4%. TP.HCM cũng đang đóng góp 21,7% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, duy trì đóng góp 26% tổng thu ngân sách cả nước.
Bên cạnh đó, nghị quyết 98 cũng đã đóng góp trong việc thể chế hóa, luật hóa nhiều quy định của cả nước. Hiện nay nhiều địa phương cũng đang xin vận dụng các cơ chế tương tự như nghị quyết 98 hay Luật Thủ đô vừa rồi cũng vận dụng nhiều ưu điểm của nghị quyết 98.
1 năm qua, HĐND TP.HCM cũng đã ban hành 30 nghị quyết cụ thể hóa nghị quyết 98, là quá trình làm việc của cả bộ máy. TP.HCM đã tạo được nền móng trong việc đưa nghị quyết vào đời sống, kêu gọi đầu tư. Gần nhất là Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, giải quyết điểm nghẽn của quốc lộ 22.
"Báo cáo cho rằng TP làm chưa đạt được nhiều kết quả nhưng là chưa đạt nhiều hơn các kỳ vọng như mong muốn của chúng ta mà thôi", ông Ngân nhìn nhận.
Hài hòa lợi ích khi thực hiện TOD
Đóng góp ý kiến về đề án phát triển TOD, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Đại học Việt Đức - cho rằng đến nay đề án này vẫn còn nghiên cứu dựa vào lý thuyết, chưa có nhiều thực tiễn.
Theo ý kiến của ông Tuấn, tuyến metro số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác vận hành, nên lấy kinh nghiệm từ đây để áp dụng cho đề án TOD.
Với tuyến này, ông Tuấn cho rằng ba nhà ga có tiềm năng lớn là Phước Long, Rạch Chiếc, Suối Tiên.
TP cần nghiên cứu triển khai quy hoạch chi tiết, xây dựng mô hình đấu thầu để làm ngay. Ba nhà ga này khi làm TOD có thể tạo ra giá trị hàng tỉ đô, hỗ trợ phát triển các tuyến metro khác. Cũng theo ông Tuấn, khi làm TOD cần hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân.
PGS.TS Võ Trí Hảo - trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cho rằng để làm được đề án này thì sự đồng thuận của người dân trong thu hồi đất rất quan trọng.
Ông Hảo đề xuất khi thu hồi đất làm TOD thì cổ phần hóa quỹ đất, trả trước tiền mặt cho người dân, phần còn lại trả theo giá trị gia tăng khi bất động sản tăng giá. Như vậy khi người dân thấy được hưởng lợi sẽ đồng thuận.
Giảm phát thải lớn, nếu...
Cũng tại phiên họp, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng thực tế hiện nay TP.HCM đề ra danh mục dự án BOT nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư. Nguyên nhân theo ông Tuấn là nhà đầu tư vẫn thấy rủi ro và cơ chế phân chia rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân chưa rõ ràng.
TP.HCM cần nghiên cứu thực hiện nhanh các dự án BOT trên cao. Trước tình hình ùn tắc giao thông như hiện nay, người dân sẽ sẵn sàng trả phí để di chuyển nhanh chóng từ địa phương này sang địa phương kia.
Về giao thông xanh, ông Tuấn cho biết TP.HCM hiện có khoảng nửa triệu xe ôm và shipper, nếu chuyển sang xe điện thì sẽ giảm phát thải lớn. TP có thể phối hợp tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới vay vốn xanh hỗ trợ chuyển đổi xe xăng sang xe điện. Sau khi chuyển đổi, các tổ chức có thể bán tín chỉ carbon. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ chuyển đổi 2.000-3.000 xe buýt sang xe buýt điện, cần có chính sách để thực hiện nhanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận