Chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với các đại biểu tại hội nghị - Ảnh DUYÊN PHAN
Một số trường hợp được Nhà nước giao đất dự án rồi chuyển nhượng để hưởng chênh lệch giá. Vừa qua, tôi đã chuyển một số trường hợp qua cơ quan điều tra.
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG (chủ tịch UBND TP.HCM)
Nội dung này được nêu tại hội nghị công bố nghị quyết số 80 ngày 19-6-2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trên địa bàn TP.HCM.
Tại hội nghị, Sở TN-MT cũng bàn giao văn bản về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho 11 sở ngành và 24 quận huyện.
Sớm quy hoạch không gian ngầm đô thị
Theo quy hoạch, đến năm 2020, TP.HCM chỉ còn giữ lại khoảng 88.000ha đất nông nghiệp, giảm hơn 29.000ha so với năm 2010. Từ năm 2016 - 2020, TP.HCM được chuyển mục đích sử dụng đất hơn 26.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để sử dụng cho các mục đích công nghiệp dịch vụ, giao thông hạ tầng và đất ở... Để tận dụng nguồn lực đất đai này, Sở TN-MT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp.
Về đầu tư phát triển sẽ ưu tiên phân bổ đất cho các ngành dịch vụ tài chính, các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ, có giá trị gia tăng cao. Chú trọng đầu tư bốn đô thị vệ tinh như khu vực P.Long Trường (Q.9) khoảng 280ha, khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên (H.Bình Chánh) 200ha, khu A khu đô thị mới Nam TP 110ha, khu đô thị Tây - Bắc 500ha...
Khuyến khích đầu tư các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội và giao thông công cộng kết nối các khu đô thị vệ tinh, giảm lượng giao thông xuyên trung tâm TP.
Bên cạnh đó, sẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hạn chế xây nhà cao tầng và thu phí hạ tầng đối với các trường hợp xây nhà trong khu trung tâm. Điều chỉnh chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, bảo đảm các dự án triển khai đúng tiến độ.
TP sẽ sớm quy hoạch không gian ngầm đô thị, chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án lớn, xử lý các dự án chậm triển khai, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất...
Bên cạnh đó, TP cũng đưa ra các giải pháp phát triển nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu như xây dựng các hồ điều tiết, khơi dòng, nạo vét các kênh mương... và các giải pháp bảo vệ quỹ đất nông nghiệp.
Xử lý dự án chậm triển khai
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu: "Công khai nghị quyết 80 về quy hoạch sử dụng đất vừa được điều chỉnh cùng kế hoạch sử dụng đất từng năm với các dự án cụ thể để người dân giám sát. Công khai chỉ tiêu sử dụng đất đến các quận, huyện để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của các địa phương".
Theo đó, tất cả dự án phải công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại UBND xã, điểm tập trung dân cư và nơi tái định cư. Việc công khai, theo ông Phong, còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đảm bảo quyền lợi của người có đất trong dự án, giúp cho cơ quan quản lý theo dõi hằng năm, giúp cơ quan nhà nước phát hiện ngăn chặn xử lý những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất như chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép...
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở TN-MT đánh giá việc thực hiện 3.444 dự án đã giao đất và kế hoạch sử dụng đất trong những năm 2016 - 2017, lập tổ công tác rà soát các dự án trong quy hoạch đã công bố cho dân rõ ràng rồi mà không thực hiện.
Ông yêu cầu các dự án trong quy hoạch đã được đưa vào sử dụng đất hằng năm mà sau 3 năm không thực hiện thì phải hủy bỏ dự án, trả lại quyền lợi cho người dân về nhà, đất trong khu vực.
Chủ tịch UBND TP cũng giao Công ty Đầu tư tài chính TP và Trung tâm Phát triển quỹ đất lập kế hoạch vốn để bồi thường và tạo quỹ đất, đấu giá công khai để nâng cao hiệu quả, thu ngân sách, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Tương tự, các dự án được giao đất mà sử dụng không đúng thì thu hồi đấu giá công khai minh bạch.
* Ông Mai Văn Phấn (phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT):
Đa dạng nguồn lực để thực hiện quy hoạch
UBND TP.HCM cần tập trung vào 9 nhiệm vụ chính trong nghị quyết, vì quy hoạch sử dụng đất ảnh hưởng, tác động đến các ngành, các cấp và người dân. Đây là quy hoạch làm nền tảng cho các ngành, nên TP phải lưu ý xây dựng quy hoạch ngành phù hợp cho đồng bộ để phát triển. Việc triển khai quy hoạch sử dụng đất phải bài bản để bảo đảm tính thống nhất từ TP đến các quận, huyện.
Nguồn lực triển khai quy hoạch cần đa dạng thì quy hoạch mới được thực hiện trong thực tiễn. Các cơ quan chức năng cần giám sát và đánh giá hằng năm, như vậy quy hoạch mới đi vào cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận