17/05/2022 21:03 GMT+7

TP.HCM có ý kiến về dự án đường sắt nhẹ TP.HCM - Long Thành

ĐỨC PHÚ
ĐỨC PHÚ

TTO - Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao địa phương này làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM vừa có văn bản phản hồi.

TP.HCM có ý kiến về dự án đường sắt nhẹ TP.HCM - Long Thành - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành sẽ giảm tải cho đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Theo UBND TP, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành nằm trong nhóm 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Luật đường sắt 2017 hiện không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt nhẹ nêu trên là Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải).

Về thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), nghị định 35 của Chính phủ hướng dẫn, đối với dự án đi qua hai tỉnh trở lên, các địa phương có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án. 

Nội dung đề xuất gồm tên dự án, quy mô, địa điểm, tổng mức đầu tư sơ bộ, vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án PPP và phân chia trách nhiệm chi trả nguồn ngân sách của từng địa phương. 

Căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh thống nhất với bộ chuyên ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.

Do vậy, theo UBND TP, tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định về đầu tư PPP, quy định về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ. 

Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.

Theo UBND TP, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2026 - 2030 sẽ đầu tư tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - bến xe Tây Ninh). 

Do đó, việc kết nối từ ga Thủ Thiêm đến sân bay Long Thành là phù hợp và cần thiết, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay quốc tế Long Thành đã được đưa vào quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Dự án dài khoảng 38km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng.

Trước đó ngày 30-3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc triển khai hai dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND các tỉnh thành: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Đề xuất đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm kết nối sân bay Long Thành Đề xuất đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm kết nối sân bay Long Thành

TTO - Chiều 12-3, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tổ chức góp ý các nội dung liên quan Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên