Tiềm năng du lịch đường thủy lớn
Tại hội nghị, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM, các doanh nghiệp... cùng nhau đóng góp ý kiến, kế hoạch phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy kết hợp vận tải hành khách trong thời gian tới.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP.HCM có mạng lưới giao thông hơn 101 tuyến, tổng chiều dài 913km. Đặc biệt lợi thế với 4 tuyến đường sông chính tạo thành mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến nay, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy ở TP.HCM đã khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), tuyến du lịch từ Bạch Đằng - bến Đình (huyện Củ Chi) - tỉnh Bình Dương, 2 bến phà, 25 bến khách ngang sông...
Các tàu khách quốc tế có thể vào ngay trung tâm TP.HCM tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.
Thêm nhiều tuyến liên tỉnh đặc sắc
Với những thuận lợi đó, giai đoạn 2023 - 2025, các đơn vị tiếp tục mở ra nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp sản phẩm du lịch thủy đa dạng, ấn tượng.
Trong đó, có tuyến Bạch Đằng - quận 7, tuyến Thanh Đa - Bình Quới, tuyến Bạch Đằng - Bình Dương - Củ Chi... Để phát triển, Sở Giao thông vận tải TP.HCM mong sớm cải tạo nâng cấp hạ tầng, khu vực neo đậu và mở ra các sản phẩm du lịch khác.
Đặc biệt, tuyến TP.HCM - Côn Đảo xuất phát từ cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đến Côn Đảo với lộ trình khoảng 260km (có thể khai thác vào năm 2024). Hiện đã có một doanh nghiệp đăng ký và đang đóng tàu 1.100 khách để tham gia khai thác tuyến phục vụ người dân.
Bên cạnh đó còn có tuyến TP.HCM - Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) và các tuyến liên tỉnh khác đang khảo sát, chuẩn bị hình thành.
Kết luận hội nghị, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - yêu cầu các đơn vị lắng nghe, tiếp thu góp ý của doanh nghiệp về tĩnh không cầu, bến bãi... để trình UBND TP.HCM tới đây.
"Hiện nay Quốc hội đã thông qua nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54, đây cũng sẽ được coi là cơ chế đặc thù, là điểm đột phá hạ tầng giao thông đường thủy. Nếu chúng ta làm tốt, TP.HCM có kinh tế ven sông, giao thông đường thủy phát triển và chắc chắn chia sẻ được với giao thông đường bộ", ông An nói.
Đường thủy ở TP.HCM hạn chế do tĩnh không cầu thấp, thiếu bến bãi
Chia sẻ ở hội nghị, rất nhiều doanh nghiệp đang khai thác tàu khách, tàu du lịch ở TP.HCM khẳng định đường thủy trên sông Sài Gòn bị hạn chế lớn bởi tĩnh không cầu thấp, bến bãi còn thiếu.
Ông An Sơn Lâm - đại diện tàu Đông Dương đang khai thác tàu du lịch nhà hàng ở bến Nhà Rồng - cho biết dịch vụ tàu du lịch hầu như đi qua được cầu Sài Gòn và cầu Thủ Thiêm 2 do tĩnh không thấp. Do đó rất mong TP.HCM đồng bộ tĩnh không cầu tạo luồng, tuyến đường thủy phù hợp với xu hướng phát triển trong vòng vài chục năm.
Trong khi đó ông Nguyễn Kim Toản - giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1) - nhận định hạ tầng là chìa khóa của nhiều vấn đề, trong đó có phát triển du lịch.
"Công ty chúng tôi có dự án làm từ năm 2010 đến nay thủ tục cho thuê đất vẫn chưa xong, bến bãi không đủ dẫn tới trì trệ", ông Toản nói.
Trước những bất cập này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho hay đã có khảo sát hàng chục vị trí neo đậu trước khi ra vào đón trả khách ở các bến. Ngoài ra, các dự án xây cầu như Thủ Thiêm 4 tới đây được tính toán, lựa chọn tĩnh không phù hợp đảm bảo tàu từ 10 - 12m vẫn qua được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận