Theo kế hoạch, đến tháng 3-2025, TP.HCM sẽ xây dựng, phát triển các đường sách, không gian sách tại các khu vực theo hướng phía đông, tây, nam, bắc của TP góp phần phát triển văn hóa đọc cho người dân.
Công trình do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương và Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện.
Theo đó, cùng với Đường sách thành phố Thủ Đức đã được đưa vào hoạt động tháng 12-2023, TP.HCM sẽ có thêm đường sách, không gian sách ở quận Bình Tân, quận 7 và huyện Củ Chi.
TP tiếp tục đầu tư, phát triển Đường sách TP (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và xuất bản, phát triển văn hóa đọc của thành phố.
Cùng với đó, TP.HCM cũng triển khai chương trình Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở trên địa bàn.
Theo đó, từ tháng 2-2024 đến tháng 3-2025, trang bị cho thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn và thư viện 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức 5 triệu quyển sách, bao gồm sách giấy và sách điện tử.
Cùng với việc trang bị sách, UBND TP.HCM cũng yêu cầu ngành giáo dục, thông tin - truyền thông tăng cường tổ chức các hoạt động lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; khuyến khích các trường sắp xếp thời gian mỗi tuần một tiết cho học sinh đọc sách, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách…
UBND TP.HCM đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP công bố kết quả khảo sát tỉ lệ đọc sách của học sinh và người dân, từ đó đề ra những giải pháp để nâng cao tỉ lệ đọc sách hằng năm góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc.
Xây dựng, phát triển văn hóa đọc là một trong những chủ trương quan trọng được TP.HCM kiên trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua.
Việc hình thành các đường sách, không gian sách nhằm thúc đẩy việc đọc sách của người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi góp phần phát triển văn hóa đọc của TP.
Tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong người dân, bám sát theo tiêu chí danh hiệu Thủ đô sách thế giới - danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận