18/04/2018 10:34 GMT+7

TP.HCM có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất nước

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội "điểm danh" 10 tỉnh thành có nhiều người chết vì tai nạn lao động nhất năm 2017, trong đó có TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh...

TP.HCM có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất nước - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Thơ, phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh & xã hội) - Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 18-4, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội họp báo công bố tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2017 và thông tin về Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động lần 2 - 2018.

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, phó cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), trong số 10 địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất năm 2017, TP.HCM đứng đầu với 122 vụ, 123 người chết, 306 người bị thương nặng.

Sau TP.HCM là Hà Nội với 66 vụ tai nạn lao động có người chết, 66 người chết và 64 người bị thương nặng. 

Các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh, Phú Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Yên Bái, Thanh Hóa cũng được "điểm danh" trong nhóm địa phương có người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2017.

Trên cả nước, năm 2017 xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm chết 928 người.

Đáng lưu ý, từ số vụ tai nạn lao động có người chết, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết còn tới 45,51% nguyên nhân chủ quan do người sử dụng lao động. 

Trong đó có tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, để cho tình trạng máy móc không an toàn, không áp dụng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thiếu các điều kiện an toàn cần thiết. 

Số vụ tai nạn lao động có nguyên nhân do người lao động chiếm khoảng 20%. Trong đó đáng lưu ý là tình trạng người lao động bị tai nạn do vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động. 

Còn lại khoảng 34,5% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khách quan.

Quá ít vụ tai nạn lao động bị khởi tố

Bộ LĐ-TB&XH cho biết ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra, chưa có hình thức xử lý, năm 2017 chỉ có 3 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan cảnh sát điều tra.

Ông Hà Tất Thắng, cục trưởng cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ: "ngay chúng tôi ở trên bộ và thanh tra bộ cũng rất sốt ruột. Chúng tôi thấy dấu hiệu nghiêm trọng nhưng số vụ khởi tố ít quá, tính răn đe chưa có".

Theo ông Thắng, việc điều tra tai nạn lao động đã quy định rõ về thẩm quyền điều tra, thực tế đa số vụ tai nạn lao động chết người vừa qua đều thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan địa phương.

Trong quá trình điều tra tai nạn lao động, thấy có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng để gây ra hậu quả, đoàn điều tra có quyền đề nghị cơ quan công an khởi tố.

Nhưng việc có quyết định khởi tố hay không phụ thuộc điều tra của cơ quan công an, còn đoàn điều tra tai nạn lao động không quyết định được.

"Nhiều khi các chủ sử dụng lao động chủ quan lắm. Có những ông giám đốc cạy đơn vị lớn, nhiều tiền nhiều của, tác động đến địa phương, cho nên có thể có can thiệp này khác, đáng ra khởi tố truy tố trách nhiệm nhưng cuối cùng các cơ quan làm nhẹ"-ông Thắng nêu.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên