Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Trưa 19-8, phóng viên Tuổi Trẻ Online trao đổi với bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - để rõ hơn về kế hoạch xét nghiệm này.
Theo đó, từ ngày 16 đến 18-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay TP vẫn duy trì lấy 13.000 - 16.000 mẫu/ngày tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tuy nhiên số lượng lấy mẫu này thấp hơn trước đây, vào những ngày cuối tháng 6, TP từng xét nghiệm lên đến 500.000 mẫu/ngày, thậm chí nhiều hơn. Bà Huỳnh Mai cho biết:
Xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm
- TP.HCM đang xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm; không xét nghiệm trên toàn TP. Mục tiêu xét nghiệm trong giai đoạn này là bóc tách ngay F0 ra khỏi cộng đồng để được điều trị thích hợp, không để lây lan trong cộng đồng.
Đối với khu vực phong tỏa là nơi nguy cơ rất cao (vùng đỏ) thì người dân được xét nghiệm định kỳ, quét đi quét lại để phát hiện ca F0.
Những vùng nguy cơ cao (vùng cam) hay vùng nguy cơ (vùng vàng) thì địa phương sẽ theo dõi, giám sát người dân ở đây. Nếu ai có triệu chứng sốt, ho, đau họng... thì ngành y tế sẽ lấy mẫu kiểm tra ngay.
Chẳng hạn nếu phát hiện ca dương tính trong khu vực vùng vàng thì vùng vàng lúc này sẽ chuyển thành vùng cam. Đồng thời lập tức cả khu vực xung quanh phải lấy mẫu theo diện có truy vết, nghĩa là truy theo dầu loang để lấy mẫu hết tại cộng đồng đó, đảm bảo an toàn những người xung quanh.
* Giả sử một trường hợp sinh sống trong con hẻm không phong tỏa có những triệu chứng nghi ngờ COVID-19 thì ngành y tế sẽ xử lý sao, thưa bà?
- Con hẻm không phong tỏa thì được cho là vùng xanh và khi có bất kỳ triệu chứng gì cũng nghĩ ngay đến COVID-19. Nhân viên y tế địa phương sẽ đến nhà trường hợp này để lấy mẫu xét nghiệm cho chính bản thân và gia đình người đó.
Nếu có trường hợp dương tính, lập tức khu vực vùng xanh này trở thành vùng cam. Người dân sống khu vực xung quanh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm.
F0 có thể điều trị tại nhà khi đủ điều kiện. Trong trường hợp F0 không đủ điều kiện hoặc có mức độ virus trong người cao (chỉ số CT thấp) thì sẽ đưa về các cơ sở y tế nhằm bóc tách ra khỏi cộng đồng nhanh nhất, không lây lan cộng đồng.
Hệ thống báo cáo số liệu COVID-19 đã chấn chỉnh
* Nhiều quận, huyện phản ánh số liệu về số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng do Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM công bố những ngày qua chưa chuẩn, trong đó có một số dữ liệu do Sở Y tế TP báo cáo. Vậy lý do từ đâu không có sự thống nhất này?
- Sự không thống nhất giữa các con số là do cách lấy báo cáo và đăng số liệu không cùng một khung giờ nhất định giữa các bên liên quan.
Số liệu thì liên tục thay đổi theo thời gian nên cần thống nhất số liệu realtime (thời gian thực - PV). Sở Thông tin - truyền thông cần có sự thống nhất với ngành y tế.
Hiện hệ thống đã chấn chỉnh. Thời gian tới sẽ không còn sự chệch choạc giữa Sở Thông tin - truyền thông và Sở Y tế về con số đưa ra.
Tại buổi làm việc trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức về triển khai kế hoạch số 2715 và công văn số 2718 vào ngày 16-8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng khi TP thực hiện chỉ thị 16 trên nguyên tắc "ai ở đâu ở đó" thì phải chấp nhận sự lây lan trong gia đình, không để lây ra cộng đồng.
Với tốc độ lây lan của chủng Delta nguy hiểm thì một người trong gia đình lây thì khó tránh khỏi. Chỉ có phát hiện kịp thời, bóc tách nhanh thì mới có thể không để lây cho gia đình. Chính lẽ đó, thời gian qua, TP tập trung xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm.
"Muốn kiểm soát được thì phải biết được F0. Muốn biết được F0 phải xét nghiệm. Muốn xét nghiệm phải thực hiện chiến lược mới. Cách quản lý của chúng ta đến giờ này khác rồi" - ông Nên nói.
HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19
Từ ngày 8-7, báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyên mục HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19. Chuyên mục này sẽ đáp ứng nhu cầu thông tin cụ thể của bạn đọc về các vấn đề dân sinh. Bạn đọc có thể đặt câu hỏi trong phần comment của mỗi bài.
Các câu hỏi sẽ được báo Tuổi Trẻ chuyển đến các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan có chức năng để phần nào giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến chính sách, cơ chế, quy định... đang được triển khai, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 khi TP.HCM thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng để dập dịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận