24/10/2024 15:05 GMT+7

TP.HCM có hơn 23.000 website thương mại điện tử, chiếm gần 50% cả nước

TP.HCM có 23.870 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47,2% cả nước) và 319 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,5% cả nước).


TP.HCM có hơn 23.000 website thương mại điện tử, chiếm gần 50% cả nước - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải báo cáo tại buổi giám sát - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Thông tin được nêu từ buổi giám sát của HĐND TP.HCM về việc triển khai thực hiện chủ đề năm 2024: “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết 98” tổ chức sáng 24-10. Phó chủ tịch thường trực HĐND TP.HCM Phạm Thành Kiên chủ trì, giám sát đối với Sở Tài chính, Công Thương, Cục Thuế, Công ty Đầu tư Tài chính (HFIT).

Số hóa hồ sơ nhà đất công giấy dài 300m thành dữ liệu điện tử khoảng 100m

Đặt vấn đề tại buổi giám sát, nhiều đại biểu HĐND TP cho rằng tiến độ thực hiện đề án quản lý tài sản nhà đất công đang khá chậm. Việc chưa quản lý, quản lý chưa đầy đủ cũng như chưa sử dụng hiệu quả tài sản công dẫn đến lãng phí.

Trao đổi về nội dung này, giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện nay toàn TP.HCM có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp với khối lượng hồ sơ khổng lồ.

Từ năm 2022, TP đã có một đề án quản lý tài sản công do Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) làm tư vấn, Sở Tài chính làm chủ nhiệm.

Đến tháng 7-2024 thì thực hiện hoàn thành 4/12 chuyên đề nguyên nhân của việc chậm trễ do chưa có kinh phí thực hiện đề án, chưa kể giai đoạn 2022-2023.

Theo ông Hải, TP.HCM có tham khảo cách làm của các tỉnh nhưng cách làm này không giống với TP.HCM. Cụ thể TP.HCM đưa ra 12 chuyên đề để đánh giá, phân loại, phân nhóm, chẳng hạn như nhóm các tài sản trước năm 1975 để lại, tài sản xử lý dôi dư, tài sản đã giao cho Công ty quản lý kinh doanh nhà, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn… rất nhiều tài sản công cần đánh giá, phân nhóm.

Ngoài ra, Sở Tài chính đang phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số và các đơn vị để thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ nhà đất công qua 3 công đoạn. Trong đó, công đoạn gian nan là số hóa dữ liệu giấy dài 300m thành dữ liệu điện tử và sẽ còn khoảng 100m. Hằng tuần, Sở Tài chính có báo cáo UBND TP.HCM để tháo gỡ và trung bình tháo gỡ khoảng 5-7 địa chỉ/tuần nhưng với số lượng lớn địa chỉ công nếu không số hóa sẽ rất khó tháo gỡ nhanh.

Chưa có "hàng rào" quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới

TP.HCM có hơn 23.000 website thương mại điện tử, chiếm gần 50% cả nước - Ảnh 3.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Cũng tại buổi giám sát, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương, cho biết sở được UBND TP giao chủ trì thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề năm. Trong đó có nhiệm vụ phát triển tổng thể thương mại điện tử trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP tiếp tục phát triển, tăng trưởng mạnh, trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa. Thương mại điện tử TP phát triển rất nhanh cả về quy mô và chất lượng, tạo thành nền tảng để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, khi thực thi các thỏa thuận thương mại tự do.

Về số lượng website, ứng dụng do tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP.HCM sở hữu đã đăng ký với Bộ Công Thương có tỉ lệ cao nhất nước. Cụ thể TP có 23.870 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 47,2% cả nước), 319 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,5% cả nước)... Tỉ trọng doanh thu thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2024 chiếm 16,7% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, công tác phát triển thương mại điện tử vẫn còn nhiều khó khăn như chưa có các quy định, hàng rào kỹ thuật, siết chặt quản lý đối tượng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn xuất hiện nhiều trên môi trường mạng. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế, dẫn đến không chủ động trong việc ngăn ngừa, xử lý hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt là tình trạng thất thu thuế phát sinh khi người bán không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý nhà nước.

Qua đó, lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động thương mại điện tử. Hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành và phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về hoạt động thương mại điện tử.

TP.HCM có hơn 12.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp  - Ảnh 3.Chỉ 4/744 đề án cho thuê, kinh doanh tài sản công được phê duyệt, Sở Tài chính TP.HCM nói gì?

Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết sở này nhận được 744 đề án cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết tài sản công, nhưng thời gian qua UBND TP chỉ phê duyệt 4 đề án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên