Theo số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ ngày 19-8 đến 25-8, TP ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 20 ca dương tính. Từ đầu năm đến nay TP đã ghi nhận có đến 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong, TP.HCM chính thức công bố dịch
Ngành y tế đang quyết liệt để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trước thềm năm học mới.
Một ca sởi có thể lây từ 12-18 người
Bác sĩ CK2 Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết bệnh sởi là bệnh lý truyền nhiễm có mức độ lây đứng hàng đầu trong tất cả những bệnh lý, trung bình 1 ca sởi có thể lây cho 12 - 18 người.
Tại bệnh viện đang điều trị cho nhiều ca sởi, đáng nói những ca nhập viện tại bệnh viện khi được hỏi hầu như không có ca nào chích ngừa hoặc một số bà mẹ chưa có nhìn nhận đầy đủ về bệnh sởi.
Đồng thời, sau dịch COVID-19, kinh tế khó khăn, phụ huynh gửi con cho ông bà nuôi quên tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ. Hoặc một số phụ huynh vì sợ tác dụng phụ vắc xin không đưa con đi tiêm.
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây lan dễ dàng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc thở.
Các triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút, triệu chứng ban đầu: sổ mũi, ho, mắt đỏ, chảy nước mắt, các đốm trắng nhỏ bên trong má.
Phát ban bắt đầu khoảng 7 - 18 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh, thường ở mặt và cổ, cuối cùng lan đến tay và chân.
Các biến chứng có thể bao gồm mù lòa, viêm não (nhiễm trùng gây sưng não và có thể tổn thương não), tiêu chảy nặng và mất nước liên quan, nhiễm trùng tai, các vấn đề hô hấp nghiêm trọng bao gồm viêm phổi.
Bất kỳ người nào không có miễn dịch (không được tiêm chủng hoặc đã được tiêm chủng nhưng không phát triển miễn dịch) đều có thể bị nhiễm bệnh. Trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhất bị biến chứng sởi nặng.
Theo TS Thạch, vi rút vẫn hoạt động và lây lan trong không khí hoặc trên bề mặt bị nhiễm bệnh trong tối đa hai giờ. Vì lý do này, bệnh rất dễ lây nhiễm và một người bị nhiễm sởi có thể lây nhiễm cho 9/10 người tiếp xúc gần chưa được tiêm chủng.
Làm gì để phòng dịch sởi?
Bác sĩ Thạch chia sẻ thêm, không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Việc chăm sóc nên tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng, giúp người bệnh thoải mái và ngăn ngừa các biến chứng.
Tiêm chủng cộng đồng là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa dịch sởi. Tất cả trẻ em nên được tiêm phòng sởi, vắc xin an toàn, hiệu quả và rẻ tiền.
"Trẻ em nên được tiêm hai liều vắc xin để đảm bảo có miễn dịch. Liều đầu tiên thường được tiêm lúc 9 tháng tuổi. Liều thứ hai nên được tiêm sau đó trong thời thơ ấu, thường là lúc 15 - 18 tháng", TS Thạch nhấn mạnh.
Bác sĩ Quy khuyên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi vì bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Bên cạnh đó, khi trẻ mắc bệnh sởi nên được cách ly để tránh lây lan cộng đồng.
Đồng thời phụ huynh chú ý đeo khẩu trang nơi đông người khi đến các khu vực nguy cơ, khi chăm sóc trẻ bệnh và rửa tay thường xuyên cho trẻ.
Bệnh sởi vẫn đủ độc và mạnh
Bác sĩ Quy cho hay bệnh sởi không phải là bệnh truyền nhiễm mới, nhưng vẫn đủ độc và mạnh để gây ra các trận dịch lớn khi việc tiêm chủng và các biện pháp phòng ngừa khác không được đảm bảo.
Trước khi có vắc xin phòng ngừa sởi vào năm 1963, 90% người lớn ở độ tuổi 20 đều đã từng bị bệnh sởi vì khả năng lây lan cực nhanh và kéo dài.
Hệ số lây nhiễm của bệnh sởi rất cao, cao hơn rất nhiều so với chỉ số lây của bệnh COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận