Xe buýt miễn phí cho khách đi lại ở cổng số 2 bến xe Miền Đông cũ - Ảnh: LƯU DUYÊN
Tham dự chương trình có Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng; Trưởng Ban đô thị Hà Thị Thanh Vân cùng đại diện các ban, các sở ngành TP.
“Xe dù bến cóc” bao giờ mới dứt?
Vấn nạn “xe dù bến cóc” được người dân TP rất quan tâm. Đặc biệt khi dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Việc đón trả khách không đúng nơi quy định vừa gây mất an toàn giao thông, vừa khiến các bến bãi khai thác không hiệu quả.
Ý kiến với TP, ông Phan Văn Trân, cử tri quận 1, nói hiện nay TP có rất nhiều tuyến đường bị các nhà xe lợi dụng đợi đón trả khách, gây ảnh hưởng an toàn giao thông, đời sống người dân. TP cần phải giải quyết dứt điểm và có người đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Đề cập việc xử lý “xe dù bến cóc” và đậu xe trái phép, thượng tá Nguyễn Văn Bình - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM - cho biết tình trạng đậu đỗ nơi cấm, đón trả khách sai quy định rất phức tạp. Phía PC08 và các quận huyện thời gian qua đã xử lý vi phạm rất nghiêm.
10 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã xử lý 4.000 vi phạm liên quan “xe dù bến cóc”, số tiền 14 tỉ đồng.
“Từ nay tới cuối năm, PC08 đề nghị công an quận, huyện triển khai rà soát các điểm dừng đỗ đón trả khách, nhất là các cây xăng. Từ đó phối hợp xử lý nghiêm để tình hình này được chuyển hóa", thượng tá Bình đề nghị.
'Xe dù bến cóc' vẫn ngang nhiên hoạt động tại nhiều tuyến đường - Ảnh: LÊ PHAN
Còn ông Đàm Phan Phát - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải - kiến nghị tăng cường xử phạt qua hình ảnh, đồng thời tăng mức xử phạt đối với các đơn vị vi phạm thường xuyên như thu hồi phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh để răn đe.
Về việc chế tài “xe dù, bến cóc”, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết đã tham mưu cho UBND TP ban hành chỉ thị về quản lý trật tự đô thị.
Qua đó sẽ phân định trách nhiệm cụ thể, trong đó quận huyện phải chịu trách nhiệm về trật tự lòng đường vỉa hè và các bến bãi phát sinh. Nếu vượt thẩm quyền thì báo UBND TP.
Gỡ điểm nghẽn trong quy hoạch bến bãi
Nhìn nhận về những điểm nghẽn trong quy hoạch bến bãi đỗ xe, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết hệ thống bến bãi TP hiện có khoảng 250ha, trong đó các chỗ đỗ xe công cộng đạt khoảng 43,5% so với quy hoạch.
Đối với xe buýt và giao thông công cộng, TP có 126 tuyến và khoảng 2.100 xe hoạt động. Theo quy hoạch giao thông đến năm 2020, tỉ lệ xe buýt phải đạt 25% chuyên chở nhưng hiện nay chỉ đạt hơn 10%.
“Nếu như theo quy hoạch, tỉ lệ người dân tham gia công cộng và tỉ lệ giao thông công cộng đạt gấp đôi hiện nay. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông cũng chưa đạt, như vậy cho thấy hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng bến bãi nói riêng chưa đáp ứng được”, ông Lâm nói.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm - Ảnh: TỰ TRUNG
"Nếu chúng ta chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thì không bao giờ giải quyết được ùn tắc giao thông và các vấn đề bất cập về giao thông đô thị. Như bài toán của Singapore và các thành phố khác đã và đang gặp phải, bắt buộc chúng ta phải đồng thời phát triển giao thông công cộng, đây là giải pháp tất yếu để giải quyết câu chuyện giao thông bền vững"
Ông TRẦN QUANG LÂM - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM
Theo lãnh đạo sở, lộ trình quy hoạch được đề ra tương đối phù hợp, nhưng việc thực hiện hạ tầng triển khai chậm hơn so với quy hoạch do nguồn lực không đáp ứng.
Đồng thời, các dự án đã bố trí vốn lại triển khai không được như kỳ vọng; một số dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhưng không có tính hấp dẫn, thu hút.
Qua đó, ông Lâm cho rằng để nâng cấp bến bãi tạo sự đồng bộ trong kết nối giao thông, cần có những giải pháp tạm thời và lâu dài. Cụ thể, bố trí cải tạo và chỉnh trang các bến bãi hiện có; rà soát điều chỉnh quy hoạch lồng ghép giao thông công cộng, đầu tư bến xe mang tính khả thi hơn.
Ngoài ra, bên cạnh quy hoạch phải có những giải pháp khác để phù hợp với siêu đô thị lớn như TP.HCM. Hiện nay ở những khu đô thị mới đầu tư chỉ quy định là đầu xe so với căn hộ hoặc so với quy mô diện tích giao thông tỉnh nhưng theo ông Lâm, TP cần phải phân định quy định diện tích bao nhiêu cho giao thông công cộng.
Mạng lưới giao thông vận tải TP.HCM theo đồ án quy hoạch gồm 6 tuyến cao tốc, 5 tuyến quốc lộ, 3 tuyến vành đai, 5 tuyến đường trên cao, 8 tuyến đường sắt quốc gia, 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray, 6 tuyến xe buýt nhanh; 11 tuyến hàng hải.
Tuy nhiên trên thực tế từ năm 2013 đến nay, bức tranh tổng quan trên đạt chưa đến 50%.
Theo quy hoạch, tổng số bến bãi xe buýt của thành phố sẽ là 39, trong đó có 17 bãi kỹ thuật xe buýt và 22 bến xe buýt, nhưng hiện nay thành phố mới có 7 bãi kỹ thuật xe buýt phù hợp theo quy hoạch, về vị trí chỉ đạt được 41,17% và diện tích chỉ đạt được 16,38%.
Thành phố đã chi 93 tỉ đồng để kết nối các tuyến xe buýt với 11 ga metro trên cao. Đồng thời, một số doanh nghiệp đã đầu tư khai thác nhà giữ xe ở cao tầng như một giải pháp cơ động giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận