Theo UBND TP.HCM, việc tổ chức vớt rác trên sông Sài Gòn sẽ giao cho Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan phối hợp làm từ nay đến cuối năm.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất phương án gom rác, chất thải rắn trên sông Sài Gòn (đoạn từ ngã ba Kinh Tế đến cầu Sài Gòn) và phương án ngăn chặn không để rác vướng tại chân cầu (từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu cảng Ba Son).
Cụ thể, sẽ thu gom rác khoảng 6,2km trên sông Sài Gòn (từ ngã ba Kinh Tế đến cầu Sài Gòn) do một đội vớt rác bằng các thiết bị cơ động, hiện đại (6 cỗ máy).
Đồng thời, sử dụng phao nổi liên kết với nhau bằng dây thép để ngăn chặn rác, lục bình trôi vào các khu vực chân cầu. Việc này nhằm để rác không vướng vào các chân cầu, bến thủy gây ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.
Việc gom rác sẽ được tổ chức 2 ngày 1 lần. Thời gian kéo dài từ tháng 7 đến hết năm 2023. Dự kiến lượng rác được vớt khoảng 1.800 tấn. Tổng kinh phí để tổ chức hơn 8,5 tỉ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khu vực được đề xuất thu gom rác là "mặt tiền" của thành phố, nơi có không gian, vị trí hết sức quan trọng kéo dài từ quận Bình Thạnh sang quận 4, bên kia sông là thành phố Thủ Đức.
Ngoài ra, khu vực này còn gắn liền với những địa danh nổi tiếng như bến cảng Nhà Rồng, bến Bạch Đằng, cầu tàu Ba Son… Do đó, việc thu gom rác trên sông Sài Gòn qua đoạn này không những góp phần tăng mỹ quan đô thị mà còn phát triển du lịch cho thành phố.
Vớt rác trên sông bằng máy đem lại hiệu quả cao
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hoạt động thu gom chất thải rắn áp dụng công nghệ mới đã làm từ năm 2021 trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương với chiều dài khoảng 17km, gần 90% rác thải đã được xử lý, tiêu thoát nước.
Việc ứng dụng công nghệ mới để thu gom rác trên các tuyến sông, kênh rạch đã đem lại hiệu quả cao, khắc phục được những khó khăn khi vớt rác thủ công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận