Đường Phạm Hùng, huyện Bình Chánh ngập nặng, gây khó khăn cho người dân qua lại - Ảnh: CHÂU TUẤN
Con số được Hội Nước và môi trường TP.HCM nêu ra tại hội thảo “Ngập úng đô thị - thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp Bộ xây dựng Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 7-11.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam - cho biết ngập úng đô thị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống hằng ngày của người dân, làm hư hại các công trình xây dựng, ô nhiễm môi trường...
Trong thời gian qua chúng ta đã thực hiện khá nhiều giải pháp để giảm thiểu ngập úng song hiệu quả không cao.
Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay quy hoạch thoát nước đô thị mới chỉ thực hiện được 21 đồ án, hệ thống thoát nước chủ yếu là cống chung, tỉ lệ cống trên đầu người còn thấp so với thế giới, trung bình dưới 0,5m/người, trong khi thế giới 2m/người.
Ngoài mưa và triều cường, nguyên ngân chính gây ngập là tình trạng đô thị hóa, năng lực đơn vị quản lý, vận hành còn thấp, ý thức của người dân (xả rác vào hệ thống cống), sụt lún nền xảy ra...
Dẫn số liệu từ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, kỹ sư Vũ Hải - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Nước và môi trường TP.HCM - cho biết từ năm 2008 - 2018, TP.HCM đã chi 22.948 tỉ đồng cho công tác chống ngập. Đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 120.246 tỉ đồng và còn hơn nữa.
Tuy nhiên, một số nơi tình trạng ngập có giảm nhưng nhiều nơi ngập vẫn hoàn ngập, thậm chí năm sau lại ngập hơn năm trước, xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới...
Theo ông Vũ Hải, sở dĩ ngập tại TP.HCM kéo dài, tốn kém và chống ngập không đạt hiệu quả là do chưa nắm đúng nguyên nhân gây ngập, các giải pháp chống ngập mà TP đang thực hiện chưa phù hợp, có nhiều nhược điểm, giá thành quá cao, công tác điều hành quản lý hệ thống thoát nước đô thị TP chưa tốt...
Từ đó, hội thảo đưa các nhóm giải pháp đề xuất chống ngập cho TP.HCM như lập ngay quy hoạch tổng thể thoát nước cho TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn 2050; rà soát lại các dự án thoát nước hiện nay; chống ngập do triều cường bằng cách triển khai dự án "Đập ngăn triều thông minh kiểu mới"; giải pháp chống ngập do mưa; xử lý nước thải bảo vệ môi trường; đồng thời phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thiết kế, điều hành quản lý...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận