20/11/2023 09:18 GMT+7

TP.HCM chỉ đạo ngăn ngừa lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ tinh vi

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các giải pháp ngăn lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ theo kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP.

Tình trạng lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ hiện rất phổ biến. Trong ảnh: UBND xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cảnh báo người dân không nên thực hiện giao dịch mua bán trên khu đất không được phép phân lô, tách thửa, phát triển nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình trạng lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ hiện rất phổ biến. Trong ảnh: UBND xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) cảnh báo người dân không nên thực hiện giao dịch mua bán trên khu đất không được phép phân lô, tách thửa, phát triển nhà ở - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về việc Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa hành vi lừa đảo thông qua mua bán đất nền, căn hộ.

Theo đó, ông Cường giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức nghiên cứu, tổ chức thực hiện các giải pháp theo kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân TP và báo cáo UBND TP kết quả.

Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân TP gửi chủ tịch UBND TP.HCM nêu, thời gian qua, các cơ quan tố tụng TP đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phân lô bán nền và mua bán căn hộ.

Dù quy định pháp luật đầy đủ, nhưng các đối tượng phạm tội đã lợi dụng nhu cầu an cư, sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi gian dối, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng đã chuyển nhượng các nền đất, căn hộ không đủ điều kiện chuyển nhượng để chiếm đoạt số tiền lớn, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, làm mất niềm tin của người dân vào cơ quan nhà nước, đồng thời ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa phương.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Viện kiểm sát nhân dân TP kiến nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức quán triệt tất cả phòng, ban chủ động nắm tình hình rao bán đất nền, căn hộ chung cư trên địa bàn.

Từ đó, kiểm tra đối chiếu xem các dự án đã đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng chưa nhằm kịp thời phát hiện, thông tin cho cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, không để các đối tượng lừa đảo người dân.

Đồng thời, sớm hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai và tài sản trên địa bàn quản lý, nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước, bảo đảm và cung cấp tính chính xác về thông tin dự án, thông tin hệ thống chung cư đủ điều kiện giao dịch trên địa bàn.

Viện cũng kiến nghị chỉ đạo Sở Xây dựng công khai văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua để người tiêu dùng biết trước khi tham gia giao dịch liên quan đến việc mua bán các căn hộ chung cư.

Chỉ đạo Sở Tư pháp và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao kiến thức cho người dân về pháp luật đất đai, nhà ở, tránh để đối tượng lừa đảo.

Chỉ đạo UBND quận, huyện, TP Thủ Đức yêu cầu UBND cấp xã, phường rà soát hiện trạng sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức trên địa bàn để phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định.

Từ đó, quản lý chặt chẽ giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Một số hành vi lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ

Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM nêu một số hành vi lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ. Cụ thể:

- Đối với việc phân lô, bán đất nền, trong nhiều vụ án, các đối tượng chưa hoàn tất thủ tục mua bán đất nền chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thậm chí nhiều trường hợp các đối tượng chỉ mới thực hiện việc đặt cọc chuyển nhượng đất, chưa có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án. Các dự án hầu hết đều là đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sang đất ở, chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ dừng ở việc chặt cây, san lấp mặt bằng...

Các đối tượng tự vẽ, lập các dự án không có thật, tự lập bản vẽ chi tiết 1/500 thể hiện kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công hình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bản đồ phân lô... rồi tổ chức quảng cáo rầm rộ, chuyển nhượng cho các cá nhân để nhận tiền và chiếm đoạt.

- Đối với việc chuyển nhượng căn hộ, trong nhiều vụ án, toàn bộ dự án căn hộ đã thế chấp cho tổ chức tín dụng để vay tiền. Mặc dù hợp đồng quy định rõ trong thời gian thế chấp nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận thế chấp thì không được chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn hoặc dùng tài sản để đảm bảo cho nghĩa vụ khác nhưng các đối tượng vẫn ký hợp đồng bán căn hộ cho khách hàng, trong đó có căn hộ bán cho nhiều người.

Điều đáng nói, các trường hợp nêu trên, chính quyền địa phương và các cơ quan quan lý nhà nước chuyên ngành đều biết tình trạng pháp lý của dự án không đảm bảo, nhưng không có biện pháp ngăn chặn, dẫn đến nhiều người dân bị lừa.

Ngăn chặn lừa đảo dự án "ma"Ngăn chặn lừa đảo dự án 'ma'

TTO - Mặc dù hàng loạt chủ đầu tư các dự án 'ma' bị khởi tố và bắt tạm giam, nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục rơi vào bẫy của các dự án 'ma', bị lừa tiền tỉ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên