14/10/2024 17:44 GMT+7

TP.HCM chỉ đạo cụ thể hóa nội dung bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan của TP.HCM triển khai quyết liệt, đồng bộ những giải pháp cụ thể hóa nội dung bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

TP.HCM chỉ đạo cụ thể hóa nội dung bài viết 'chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh: NAM TRẦN

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong thông cáo báo chí phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, sáng 14-10.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM đã nghe và thảo luận về kết quả công tác trong 9 tháng đầu năm 2024 và bàn nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 của ban chỉ đạo.

Trong các nhiệm vụ trọng tâm, ban chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng TP.HCM tập trung chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Cùng với đó là đấu tranh với bệnh sợ trách nhiệm, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Khẩn trương hoàn thành đề án về vận dụng, triển khai thực hiện kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung khi có rủi ro trong thi hành công vụ và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, tổ chức chỉ đạo tăng cường quán triệt, tuyên truyền và cụ thể hóa nội dung bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu phù hợp với tình hình TP để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động tự nguyện và tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân.

Mặt khác, các cơ quan chức năng, ban ngành trên địa bàn TP khẩn trương nghiên cứu, đối chiếu các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với tình hình thực tiễn thực hiện; đánh giá khó khăn, vướng mắc, nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội…) để kịp thời khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.

Tăng cường công tác phối hợp, chủ động, quyết liệt xử lý các vướng mắc trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Trọng tâm là công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư; y tế, giáo dục, cổ phần hóa, thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; sử dụng nguồn viện trợ, tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh đó là các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT…, các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong xã hội gần đây (hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng của các ngân hàng, các công ty tài chính); công tác quản lý, cấp phép, thăm dò, khai thác, tiêu thụ các loại khoáng sản; hành vi có dấu hiệu rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền, vàng, kim loại quý ra nước ngoài.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM cũng yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ khắc phục tình trạng "tham nhũng vặt".

Song song đó xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp; các thủ tục hành chính còn chậm trễ. Khẩn trương hoàn thành các đoàn kiểm tra, giám sát theo chương trình, kế hoạch của ban chỉ đạo.

Tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực; nhất là tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm sai phạm của các tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc.

Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng, chống lãng phí trong bối cảnh hiện tại nhằm khơi dậy sức dân và tăng cường nguồn lực cho đất nước.

Ông nhấn mạnh rằng lãng phí không chỉ gây hại cho ngân sách mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước, tạo nên những rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bài viết đề xuất bốn giải pháp trọng tâm, bao gồm: nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; hoàn thiện thể chế phòng, chống lãng phí và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí; xây dựng văn hóa tiết kiệm, coi thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ thường xuyên của mọi cá nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp này nhằm tạo động lực để người dân và cán bộ tự giác tham gia vào phong trào tiết kiệm.

Tổng Bí thư khẳng định việc thực hiện các chính sách tiết kiệm không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho đất nước trong giai đoạn mới.

TP.HCM chỉ đạo cụ thể hóa nội dung bài viết 'chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ảnh 2.Bài viết 'Chống lãng phí' của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên