TP.HCM cần đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân đang ngày càng tăng - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tại buổi hội thảo, nhiều chuyên gia đầu ngành giao thông đã bàn luận phương án tổ chức lại hệ thống xe buýt ở TP.HCM từ nay đến năm 2030. Đồng thời tính toán để làm đường ưu tiên xe buýt, hạn chế xe máy, giảm ùn tắc giao thông hiệu quả.
Theo TS Ma Kook Jun - chủ nhiệm dự án BRT-CS9 tại TP.HCM, giao thông công cộng đứng trước khá nhiều thách thức bởi hơn 82% là xe máy, xe công cộng chỉ khoảng 5%. Xe máy tràn khắp các con đường dẫn tới hệ lụy ùn tắc, các loại hình xe công cộng hiện nay là chưa đủ đáp ứng.
"Để giải vấn đề giao thông, đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, TP.HCM cần sớm lên kế hoạch tái cấu trúc mạng lưới xe buýt ngắn hạn (đến 2025) và dài hạn (năm 2030). Các đơn vị xây dựng hệ thống MRT (metro), BRT (xe buýt nhanh), xe buýt... kết nối mang đến sự hiệu quả, tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp yêu cầu. Khi người dân chọn đi xe công cộng thì xe máy sẽ bị hạn chế", TS Ma nói.
Trao đổi tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Bích Hằng - phó chủ nhiệm dự án BRT-CS9 - cho biết, ở Hàn Quốc, giao thông công cộng chiếm phần lớn nên các chính sách về hạn chế xe cá nhân thực hiện hiệu quả.
Trong khi đó, TP.HCM hiện có 25 bến xe buýt, 54 điểm đầu cuối và bến tạm, điểm trung chuyển thì chỉ có 1 trạm Hàm Nghi (quận 1). Về mạng lưới xe buýt thì còn trùng lắp, phân bố chưa phù hợp, chưa đủ đáp ứng.
Thời gian qua, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu để đưa ra một số kế hoạch cụ thể nhằm cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng (bến bãi, depot, trạm trung chuyển, làn đường ưu tiên cho xe buýt) cùng với đó là các chính sách, thể chế hỗ trợ tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt TP.HCM.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, TP.HCM triển khai cải thiện mạng lưới xe buýt thuận tiện di chuyển, trung chuyển nối đến các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai. Các bến bãi được bố trí, phân chia theo chức năng để khai thác và mở rộng.
Trong giai đoạn dài hạn 2030, đơn vị tư vấn đề xuất tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tuyến xe buýt trên cơ sở phân chia thành tuyến trục, tuyến nhánh và tuyến gom.
Một số phương án đưa ra như làm làn đường ưu tiên cho xe buýt ở những tuyến đủ điều kiện như đường Mai Chí Thọ, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... Đặc biệt, ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bố trí tuyến xe buýt vòng, đặt trạm trung chuyển. Khách đi xe buýt vòng vào sân bay, giảm đi xe cá nhân vào khu vực này.
Phát biểu hội thảo, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Giao thông - cho biết mới đây, UBND TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm gồm đẩy mạnh các dự án liên vùng, cửa ngõ, cao tốc và phát triển giao thông công cộng.
Trong đó, giao thông công cộng ở TP.HCM cần được tổ chức lại, đòi hỏi nhiều giải pháp nâng cao tỉ lệ sử dụng của hệ thống này và làm sao để người dân sử dụng xe buýt đạt tới 25% vào năm 2030.
Ông Phúc đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, đồng thời lấy ý kiến của các đơn vị liên quan để báo cáo Sở GTVT TP.HCM, UBND TP.HCM trong tháng 12-2022.
Căn cứ vào đó, TP.HCM triển khai tái cấu trúc hệ thống xe buýt, phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân.
Dự án BRT-CS9 thuộc dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư, được Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Mục tiêu chính của dự án nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt của TP.HCM, hỗ trợ hoạt động hiệu quả của hệ thống xe buýt và cải thiện xe buýt cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận