01/04/2023 09:57 GMT+7

TP.HCM cần những động lực tăng trưởng mới nào?

TP.HCM cần thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công kèm theo các biện pháp kỷ luật và khen thưởng, tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, gỡ các điểm nghẽn thủ tục cho các dự án bất động sản...

Thị trường bất động sản giảm tốc khiến nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường bất động sản giảm tốc khiến nhiều nhà thầu, doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo như vậy khi cho rằng với mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1-2023 của TP.HCM chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ năm trước sẽ gây nhiều áp lực cho TP trong những quý sắp tới nếu muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% cho cả năm.

Nhiều áp lực với các quý tiếp theo

TS Trương Minh Huy Vũ, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng tăng trưởng của TP thấp do nhiều nguyên nhân như sự đứt gãy chuỗi cung ứng xuất phát từ chiến sự Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu do chính sách tiền tệ của Mỹ và giá dầu tăng.

Trong tháng 3-2023 phát sinh sự kiện sự sụp đổ liên tiếp các ngân hàng lớn của Mỹ. Mặt khác, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát các hoạt động đầu cơ, phát hành trái phiếu thời gian qua cũng tạo ra khó khăn chung cho cả nước.

Dự báo tình hình tăng trưởng quý 2-2023 của TP, ông Vũ cho rằng có khả năng cũng tiếp tục đứng ở mức thấp. Do đó, TP.HCM phải nỗ lực để kinh tế không rơi vào suy thoái lấy lại đà tăng trưởng từ quý 3-2023.

"Kịch bản tăng trưởng quý 3 và 4 của TP phải đạt từ 13% trở lên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5 - 8% trong 2023. Nếu không, khả năng đạt tăng trưởng 7,5% sẽ khó khả thi. Do vậy, áp lực dồn vào quý 3 để hoàn thành nhiệm vụ", ông Vũ nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng ngoài những nguyên nhân khách quan, TP.HCM cũng cần nhìn rõ các hạn chế, điểm nghẽn trong nội tại nền kinh tế TP.

Trong đó TP là nơi tập trung đa thành phần, đa ngành nghề nên chuyển động cả hệ thống sau hai năm đại dịch rất khó khăn. Các chính sách, gói hỗ trợ trong và sau đại dịch chưa có hiệu quả, chưa đạt như kỳ vọng và chưa đủ sức kết nối để nền kinh tế lớn như TP.HCM chuyển động.

"Các công trình đầu tư hạ tầng để chuyển dịch kinh tế, làm cho GRDP tăng lên còn dang dở, đầu tư công chưa giải phóng hết và đột phá thể chế còn đang xây dựng", ông Dũng nói và cho rằng sự kết nối các nguồn lực chưa hiệu quả, dù ở TP.HCM có rất nhiều người dân có nhiều tiền nhưng chưa có cơ chế kêu gọi, mời gọi để họ hứng thú đóng góp.

Đặc biệt, tinh thần đổi mới, sáng tạo chỉ mới kêu gọi nên chuyển biến chậm.

"Điều đáng chú ý, thời gian gần đây có sự lúng túng, khựng lại của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Một số cơ quan không dám thúc đẩy, không chủ động giải quyết công việc.

Chính quyền lãnh đạo sở, ngành rụt rè làm cho cả hệ thống kinh tế chung gặp nhiều điểm nghẽn, thậm chí nhiều chỗ tê liệt, cầm chừng", ông Dũng nói.

Một mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM từng là khách sạn được trả lại và đang sửa chữa để chuyển đổi công năng - Ảnh: T.T.D.

Một mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP.HCM từng là khách sạn được trả lại và đang sửa chữa để chuyển đổi công năng - Ảnh: T.T.D.

Cần gỡ nghẽn thủ tục, thúc đầu tư công

Theo ông Vũ, động lực tăng trưởng của TP sắp tới là kích đầu tư và tiêu dùng, trong đó có đầu tư công, đầu tư, tiêu dùng xã hội. Trong đó động lực chính yếu là đầu tư, đặc biệt đầu tư công. TP cần gắn kỷ luật, khen thưởng với tiến độ giải ngân đầu tư công.

Tập trung đẩy nhanh các dự án FDI, đặc biệt các dự án trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, cũng như kích cầu đầu tư xã hội từ nguồn kiều hối về TP.

Mặt khác trong quý 2 và 3, để giữ GRDP cần tập trung các giải pháp cho thương mại dịch vụ. Muốn vậy TP (có thể với sự tiếp sức của Trung ương) cần gỡ các vướng mắc về thiếu vốn, thiếu dòng tiền của các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dịch vụ.

"TP cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ mua sắm công, tập trung xây dựng các chương trình, đề án đầu tư vào hạ tầng dịch vụ TP. Cùng với đó thúc đẩy các sự kiện, lễ hội, hội chợ và tận dụng các khu trung tâm, khu triển lãm, khu đất đẹp nhất của TP để thực hiện", ông Vũ kiến nghị.

TS Lê Hoàng Anh, Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ ngân hàng, cho rằng trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của TP được dẫn dắt bởi khu vực ngành công nghiệp - xây dựng. Tuy nhiên đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tăng trưởng hai khu vực này giảm sút.

Dự báo quý 2-2023, các khu vực này có thể giảm mạnh hơn, trong khi khu vực thương mại - dịch vụ ngày càng đóng góp nhiều cho tăng trưởng GRDP của TP. "Do đó TP có thể tận dụng xu hướng này để tạo sự tăng trưởng ở khu vực kinh doanh - dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn nền kinh tế", ông Anh gợi ý.

Trong khi đó, theo ông Dũng, TP phải lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp để cùng tháo mở các van tắc nghẽn trong sản xuất, tiêu thụ. Rà soát lại hệ thống đạo đức công vụ, bám sát, chỉ đạo sâu và theo dõi việc tháo gỡ, giải quyết hồ sơ của các sở, ngành đối với doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt cần có chính sách khơi thông, cung cấp các nguồn lực tạo GRDP như tăng khối lượng vốn, đẩy nhanh và giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công.

"Về lâu dài TP phải có hệ thống giải pháp mạnh để khơi gợi, khai thác được nguồn lực địa phương, kích thích cho doanh nghiệp và người dân chịu đầu tư, sáng tạo, đổi mới và kết nối chuỗi kinh doanh với khu vực, thế giới. Đồng thời, có cơ chế khai thác những nguồn lực tích cực của đội ngũ chuyên gia", ông Dũng kiến nghị.

Đồ họa: Tấn Đạt

Đồ họa: Tấn Đạt

TP.HCM: vào nhóm 10 địa phương tăng trưởng thấp nhất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1-2023 chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP.HCM lọt vào danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.

Số liệu báo cáo cho thấy tăng trưởng ở cả 4 khu vực kinh tế của TP khá èo uột, thậm chí có khu vực tăng trưởng âm. Khu vực dịch vụ (chiếm hơn 65% GRDP TP.HCM) chỉ tăng 2,07%. Có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng chỉ tăng 2,06%, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%.

Hỗ trợ người lao động về an sinh xã hội

Theo ông Trương Minh Huy Vũ, các vấn đề lao động, xã hội, giáo dục, y tế có thể là "giọt nước tràn ly" trong quý 2-2023. Việc duy trì việc làm cho người lao động còn khó khăn khi có một số doanh nghiệp đã phải giảm lao động vì bị giảm đơn hàng.

Trong khi đó người lao động đa số trong tâm thế bị động từ chỗ thu hút, giữ chân cho đến bị cắt giảm việc làm. Do vậy TP cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động về an sinh xã hội, trợ cấp thất nghiệp, các chương trình đào tạo lại cho lao động thất nghiệp, miễn giảm các phí, chi phí về giáo dục, y tế.

* Ông Lê Gia Phong (cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng):

Công nghiệp - xây dựng đóng góp hơn 50% GRDP

Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong quý 1-2023 Hải Phòng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 9,65% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự đóng góp của hai khu vực: công nghiệp - xây dựng (chiếm tỉ trọng gần 50%) và khu vực dịch vụ (chiếm khoảng 37%).

Ngoài hàng loạt dự án FDI, dự án vốn đầu tư tư nhân quy mô lớn như dự án của LG, Pegatron Việt Nam, Vingroup... những năm gần đây, việc ô tô điện Vinfast có sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ là động lực tăng trưởng mới trong khu vực công nghiệp - xây dựng của Hải Phòng trong quý 1-2023.

Với việc mở cửa sau dịch Covid-19, khu vực dịch vụ du lịch, lưu trú ăn uống, bán lẻ hàng hóa và một số dịch vụ khác đã phục hồi nhanh, đóng góp thêm nhiều cho GRDP của địa phương.

BẢO NGỌC

Đà Nẵng: khó khăn vẫn ở phía trước

Mức tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng trong quý 1-2023 là 7,12%, theo Cục Thống kê Đà Nẵng, chủ yếu nhờ đóng góp của khu vực dịch vụ.

Trong đó một số nhóm ngành dịch vụ duy trì mức tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát, như dịch vụ lưu trú và ăn uống (+70,3%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+96,2%), các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác (+78,1%)...

Tuy nhiên cơ quan này nhận định tình hình kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn sau dịch. Nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là những doanh nghiệp lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 15-3, số doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động lên tới 2.231 doanh nghiệp, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động.

TẤN LỰC

Cần Thơ: khu vực dịch vụ dẫn đầu tăng trưởng

Dù chỉ đứng thứ 7/13 địa phương khu vực ĐBSCL, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 1 là 4,02%, nhưng tình hình kinh tế - xã hội được Thành ủy Cần Thơ đánh giá là phục hồi tích cực, với hầu hết các chỉ số khác đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 6,19%.

Trong quý 2-2023, Cần Thơ sẽ tập trung thúc đẩy, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến; tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ.

Trong khi đó lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ được cơ cấu lại, phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống...

CHÍ QUỐC

TP.HCM đặt kỳ vọng tăng trưởng 7,5-8% năm 2023TP.HCM đặt kỳ vọng tăng trưởng 7,5-8% năm 2023

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đặt các mục tiêu cho năm mới như tốc độ GRDP từ 7,5 - 8%, tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ông hy vọng các cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ thành phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên