Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là TP.HCM cần xây nhiều và nhanh hơn các công trình thể thao đạt chuẩn quốc tế đã được quy hoạch nhưng chưa thể triển khai.
Có cần trung tâm Phan Đình Phùng?
Sau nhiều năm đóng băng, dự án xây mới trung tâm TDTT Phan Đình Phùng đã được khởi động trở lại. UBND TP.HCM đã quyết định dừng đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư xây dựng - chuyển giao (BT) và chuyển thành sang đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 1.850 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2024 đến 2029. Dự án có 13 hạng mục thể thao với 2 khối nhà cao 3 tầng và 3 tầng hầm rưỡi. Khối nhà thi đấu với 4 mặt khán đài, có sức chứa tối đa 4.900 khán giả.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trình lên HĐND, UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa - Thể thao cho biết việc đầu tư xây dựng mới trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là hết sức cần thiết để TP.HCM có được một cơ sở thể thao khang trang, hiện đại, đủ tiêu chuẩn cho các sự kiện thể thao, văn hóa tầm quốc gia và quốc tế. Ngoài ra dự án cũng đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của người dân, giới thiệu hình ảnh một thành phố văn minh, hiện đại, chú trọng phát triển các công trình phúc lợi xã hội.
Việc xây dựng mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũng đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Bá Nghị - người từng là tuyển thủ quốc gia bóng chuyền, làm HLV rồi chuyển sang vai trò quản lý - cho rằng thời điểm này không nên xây dựng lại trung tâm: "Ở thời điểm không triển khai được dự án BT, khoảng năm 2016 tôi là người đưa ý kiến trong ban chủ nhiệm (ông Nghị khi đó là phó giám đốc) là nếu được thì đề nghị trong lúc các bên còn bàn bạc thì nên xin khoảng vài chục tỉ trong phần đầu tư để sửa sang lại sân Phan Đình Phùng, và tiếp tục hoạt động vì sân vẫn còn khả năng hoạt động. Còn số tiền đầu tư BT đó thì chuyển ra đầu tư ở Rạch Chiếc.
Nhưng đến thời điểm này, quan điểm của tôi là không nên làm sân Phan Đình Phùng nữa. Nơi đây đã lâu không còn phục vụ cho quần chúng nữa, và hiện đã có nhiều khu khác phục vụ quần chúng tốt hơn. Bốn con đường quanh sân Phan Đình Phùng không thể mở rộng được nữa thì chuyện giải tỏa lượng người đổ ra hoặc lúc thời điểm xảy ra sự cố - quan trọng nhất là khó đảm bảo.
Dĩ nhiên, khi người ta làm đều có phương án. Nhưng phương án tối ưu với những nhà thi đấu 5.000 chỗ hoặc các hoạt động khác cùng thời điểm thì chỗ này không còn khả thi nữa. Ngoài ra, phương tiện giao thông công cộng đến đây cũng không thuận lợi".
Ông Nghị kể lại câu chuyện khi sân Phan Đình Phùng tổ chức Giải vô địch châu Á 2003. Do có Trung Quốc (đương kim vô địch Olympic Bắc Kinh 2000) tham dự nên nhà thi đấu quá tải. "Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền châu Á và là phó chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền thế giới khi đó nói rằng sức tải quá đông. Xe không có chỗ để, và vấn đề quan trọng nhất là thoát ra khi có sự cố. Liệu dự án xây mới có giải quyết được vấn đề đó hay không?", ông Nghị đặt vấn đề.
Ông Trương Ngọc Để - chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam (VTF) - cũng cho rằng không nên làm thể thao ở khu đất cũ Phan Đình Phùng. Ông nói: "Nhà thi đấu các nước đều đưa ra ngoại thành để giải tỏa ách tắc giao thông. TP.HCM cần phải xây những công trình thể thao ở chỗ mới, ngoài trung tâm như Bình Chánh, quận 7 hay khu Rạch Chiếc".
Đừng để thua kém các tỉnh
Có một thực tế đáng buồn là TP.HCM ngày một thua kém các tỉnh về việc đầu tư cho công trình thể thao. Sân Thống Nhất cũ kỹ, xuống cấp giờ còn thua cả Bà Rịa - Vũng Tàu hay Bình Dương về chất lượng. Trong khi đó Thái Nguyên sắp sửa hoàn thành sân vận động 22.000 chỗ ngồi có mái che sau gần 2 năm xây dựng. Sân đạt tiêu chuẩn quốc tế, có tổng mức đầu tư trên 535 tỉ đồng, có đường pitch bao quanh với 8 đường chạy vòng, 10 đường chạy thẳng. Bên trong SVĐ còn có các khu vực thi đấu nhiều môn thể thao khác, như nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ…
Còn ở TP.HCM, tất cả công trình thể thao đều đang nằm trên giấy. Gần nhất là danh mục 18 dự án thể thao đầu tư theo phương thức đối tác công tư được UBND TP.HCM trình ở kỳ họp thứ 13 HĐND TP.HCM khóa X hồi tháng 12-2023.
Nổi bật là dự án xây dựng mới sân vận động chính có mái che (sức chứa 50.000 chỗ), có bố trí đường chạy điền kinh ở TP Thủ Đức với mức đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng, nằm trong Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc. Bên cạnh đó là nhiều dự án nghìn tỉ khác cho các nhà thi đấu.
Dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc đã có chủ trương đầu tư từ năm 1994, với quy hoạch ban đầu là 466ha. Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh thì diện tích chỉ còn khoảng 212ha. Và đến nay sau 30 năm, nó vẫn chỉ là quy hoạch treo.
Ông Nguyễn Bá Nghị cho rằng thay vì đầu tư cho nhà thi đấu Phan Đình Phùng, TP.HCM nên tập trung vào những dự án lớn mà UBND TP.HCM đã đưa vào kế hoạch như khu Rạch Chiếc hay Phú Thọ. Ông Nghị nói: "TP.HCM ngày càng phát triển, rất cần các công trình thể thao tầm cỡ. Tại sao chúng ta không quyết tâm làm nhanh ở Rạch Chiếc, lấy tiền xây mới Phan Đình Phùng ra đó làm?".
Cần phá vỡ sự trì trệ cơ sở vật chất của thể thao
Nhìn nhận về công trình thể thao của TP.HCM, chuyên gia Đoàn Minh Xương ngậm ngùi nói: "Chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm ngày hoàn toàn thống nhất đất nước (30-4-2025). Nhưng thật đáng buồn là cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM hiện tại còn không đủ để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc chứ đừng nói đến tổ chức SEA Games.
Vì vậy TP.HCM cần đưa ra được chính sách để phát triển thể thao. Trong đó mũi nhọn để xuyên phá đầu tiên, tạo ra nền tảng phát triển chính là cơ sở vật chất. Muốn phát triển như thế này thì phải có chính sách cụ thể. TP.HCM phải có quyết tâm để phá vỡ sự trì trệ cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận