Đây không phải lần đầu TP.HCM có đề xuất này. Trong nhiều văn bản, buổi làm việc với lãnh đạo cấp cao, TP.HCM đã thẳng thắn chỉ rõ những vướng mắc, điểm nghẽn cản trở đầu tàu kinh tế chuyển mình tăng tốc, phát triển. Mặc dù từ giữa nhiệm kỳ trước đến gần hết nhiệm kỳ này, TP.HCM đã được Trung ương nhiều lần nới lỏng "chiếc áo đồng phục" về cơ chế, chính sách, song thành phố nói thực tế chưa đủ tạo cú hích để phát triển.
Bất cập, chồng chất hạn chế, yếu kém
9 vấn đề khó khăn, hạn chế, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội được TP.HCM nêu ra trong báo cáo tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trong đó có đến 5 vấn đề xuất phát từ nguyên nhân bất cập về pháp luật về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản... không thống nhất.
Sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ, ngành còn hạn chế, bất cập. Những bất cập này cản trở đầu tàu kinh tế trở mình, tăng tốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định tăng trưởng của TP.HCM chậm lại so với các đô thị trong khu vực, quốc tế. TP.HCM cũng thẳng thắn cho rằng kinh tế TP tăng trưởng thấp, phát triển chưa bền vững.
Đó là năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn mới. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng công nghiệp, đô thị phát triển ì ạch.
Chưa có đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị chạy không kịp tốc độ tăng dân số và biến đổi khí hậu. Ngập nước, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nhà ở xã hội, bệnh viện, trường học, hệ thống phúc lợi xã hội chưa đủ nguồn lực giải quyết.
Khi đặt vai trò của TP.HCM trong tổng thể phát triển vùng còn nhiều bất cập hơn dù TP.HCM được quy hoạch cho vai trò trung tâm của vùng. Nhiều năm qua TP chưa phát huy được vai trò, vị trí đầu tàu, động lực, dẫn dắt cũng như tiềm năng, điều kiện và yêu cầu phát triển của TP. Nguyên nhân cũng do cơ chế, chính sách liên kết vùng chưa đồng bộ, đầy đủ. Khuôn khổ thể chế cho hợp tác, liên kết vùng chưa hoàn thiện, chưa huy động tổng lực phát triển vùng.
Cơ chế đặc thù nhưng chưa gỡ được vướng mắc
Sau nghị quyết 54 của Quốc hội năm 2017, TP.HCM tiếp tục được Quốc hội thông qua nghị quyết 98 năm 2023 với thêm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hơn nghị quyết 54.
Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao đã có sự "cởi trói", "nới lỏng" nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến?
Đến đây chính quyền TP.HCM nhìn nhận bất cập khi thực hiện một số cơ chế, chính sách trong nghị quyết 98. Đó là khi thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có dự án đầu tư công, UBND TP.HCM nhận thấy vướng mắc ở một số quy định của luật.
Đến nay TP.HCM đã có 9 kiến nghị sửa đổi các quy định hiện hành thuộc thẩm quyền Quốc hội và 6 nội dung văn bản quy phạm pháp luật.
Nêu ví dụ về tình trạng này, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - nêu: Một dự án đầu tư, ngoài Luật Đầu tư còn chịu điều chỉnh của luật về đất đai, quy hoạch, ngân sách...
TP.HCM được đặc thù cho phép quyết định đầu tư một số loại dự án (khác với luật) nhưng khi triển khai cũng phải hỏi ý kiến hoặc một số thủ tục phải qua bộ, ngành xét duyệt, thực hiện.
Chưa kể quy định các luật khác chồng chéo, thiếu đồng bộ cản trở việc làm dự án. "Giao quyền nhưng không triệt để rất khó để địa phương thực hiện thành công, đạt kết quả đột phá từng cơ chế, chính sách", ông Dũng nhận định.
Theo ông Dũng, TP.HCM chỉ có thể vươn lên, đột phá phát triển khi được phân cấp, phân quyền triệt để, đủ mạnh. Nay cho cơ chế này, mai cởi ra cho chính sách khác chỉ là chắp vá, xin cho trong khi tất cả những việc TP.HCM làm được nên giao triệt để cho TP làm và quyết định.
"Nếu có luật về đô thị đặc biệt, đô thị đó phải được phân quyền theo nguyên tắc bổ trợ như nói trên. Nhiều nước trên thế giới phát triển đã áp dụng thành công mô hình này. Đây cũng là bước thí điểm cho cả nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Luật hóa để có sự đột phá
Sự bất cập, không đồng bộ của các vấn đề nêu trên còn được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn chứng rõ bất cập, vướng mắc của các luật làm cản trở đến việc thu hút, làm các dự án, nhất là dự án (đầu tư công) liên vùng.
Cùng làm tuyến đường nhưng luật quy định đường qua tỉnh nào tỉnh đó chịu trách nhiệm vốn, địa phương có điều kiện hơn muốn hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn cũng không được.
Cơ chế vay vốn bởi vậy cũng buộc từng địa phương có kế hoạch vay vốn khác nhau, trong khi hoàn toàn có thể thống nhất để một địa phương đứng ra vay và phân bổ cho các địa phương khác. Tư duy quản lý theo địa giới hành chính với tầm nhìn của từng ngành, cho cả nước cản trở sự phát triển của địa phương, nhất là địa phương đặc thù như TP.HCM.
Vì vậy TP.HCM mong muốn có sự đổi mới mang tính đột phá nhằm khắc phục những di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong nền hành chính, xóa bỏ cơ sở pháp lý của cơ chế xin cho. Từ đó TP kiến nghị xây dựng Luật Quản lý và phát triển đô thị đặc biệt kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề căn cơ của một siêu đô thị như TP.
Theo các chuyên gia về quản lý hành chính, luật về đô thị giúp điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật phổ quát, không phải thí điểm cơ chế đặc thù cho từng địa phương.
Tùy theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện đặc thù..., luật sẽ quy định cho các địa phương được phân cấp, phân quyền triệt để theo từng nhóm cơ chế, chính sách cụ thể về tài chính, ngân sách, đầu tư... Đồng thời hạn chế việc địa phương được phân quyền nhưng không triệt để, khi làm vẫn phải báo cáo xin ý kiến của bộ, ngành trước khi quyết định.
TS BÙI NGỌC HIỀN (Học viện Cán bộ TP.HCM):
Luật hóa để thoát cảnh luẩn quẩn thiếu - xin - cho - thiếu
Thực tế TP.HCM luôn bức bách, chật hẹp trong không gian pháp lý, chính sách để quản lý và tổ chức phát triển. Nhìn lại quá trình TP đã ba lần xin thí điểm mô hình chính quyền đô thị, cơ chế đặc thù cho thấy việc gỡ vướng thiếu sự bền vững, luẩn quẩn trong vòng "thiếu - xin - cho - thiếu". Cơ chế càng xin càng thiếu.
Trước yêu cầu giải quyết thực tiễn và kinh nghiệm của TP.HCM, qua quá trình triển khai các cơ chế chính sách chính quyền đô thị, đặc thù rất cần thiết và đã đến lúc TP cần xây dựng về Luật đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, phải có nguyên tắc, cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực phát triển; đảm bảo tính tự chủ trong quản lý, phát triển đô thị của TP. Nội dung này cần xác lập rõ phạm vi, lĩnh vực, cơ chế, nguyên tắc... để chính quyền cùng với cư dân TP chủ động, sáng tạo và chịu trách nhiệm về quản lý, tổ chức phát triển đô thị.
Mặt khác xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền TP. Đó là thẩm quyền của chính quyền TP trong chủ động xây dựng hoặc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách mới; thực hiện các mô hình, phương thức quản lý mới để cụ thể hóa tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chính quyền TP cũng như khai thác, tận dụng các cơ hội phát triển.
Tôi quan tâm và mong đợi nhất cơ chế huy động các nguồn lực phát triển đô thị và cơ chế cho phép TP xây dựng cơ chế, chính sách mới để tận dụng các cơ hội phát triển, hạn chế được vòng luẩn quẩn thiếu - xin - cho - thiếu các cơ chế, chính sách quản lý, phát triển đô thị.
TS VÕ TRÍ HẢO (trọng tài viên VIAC, cố vấn cao cấp IICL):
Cơ chế lập quy "xóa nợ" ban hành văn bản
Hiện nay có những cơ chế, chính sách đã được cho TP.HCM thí điểm hoặc đã có luật, nghị định nhưng còn nợ thông tư nên địa phương phải chờ. Điều này đòi hỏi TP.HCM phải được ủy quyền lập quy đồng bộ trên cả ba phương diện: thẩm quyền, chủ thể quyết định, giải quyết vấn đề; tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình xét duyệt.
Mặt khác có những cơ chế, chính sách hiện nay TP.HCM muốn được ủy quyền để được giải quyết vấn đề theo cách hiểu của TP.HCM. Tuy nhiên, để các bộ ngành chịu giao hết quyền tự quyết cho TP sẽ khó. Vì vậy cần giải pháp "dung hòa" là "lập quy thi đua". Thay vì mòn mỏi chờ hướng dẫn, một số quốc gia cho phép chính quyền địa phương "lấp khoảng trống" bằng việc chủ động ban hành ngay lập tức các văn bản hướng dẫn cho chính mình. Khi được "trả nợ văn bản", các nội dung mà trung ương đã có quy định tương ứng, quy định của địa phương sẽ hết hiệu lực.
Riêng nhóm cơ chế thuộc quyền Thủ tướng và trước khi Thủ tướng ban hành quyết định sẽ có cơ chế lấy ý kiến liên bộ, liên ngành hoặc thuộc thẩm quyền của trung ương, có thể áp dụng giải pháp cho cơ chế thủ tục hành chính song hành. Cơ chế như trên sẽ tạo ra mô hình thí điểm cùng với các mô hình thực hiện ở các địa phương khác, sau đó sẽ chọn ra mô hình hay nhất để nhân rộng.
TP.HCM hội tụ đủ điều kiện nhưng cần luật
TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - chia sẻ những câu hỏi mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt ra ngày 17-8 tại TP.HCM chính là những mệnh đề lớn bao quát lên phương thức quản trị của TP trong điều kiện và yêu cầu mới; giải pháp để khơi thông các nguồn lực nhà nước, nhân dân để từ đó vận hành nền kinh tế một cách bài bản, phát triển nhanh mà bền vững, ổn định. Trong phân tích, chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã "đồng quy" về một "bổ đề cơ bản", đó chính là cơ chế với tính hai mặt của nó.
Theo ông Vũ, thực tiễn đang đòi hỏi tốc độ thể chế hóa và điều chỉnh thể chế cần linh hoạt và nhanh hơn nữa, đặc biệt là trong các nội dung thí điểm, chấp nhận sai số, dựa trên thực tế để điều chỉnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có nói đến 15 triệu tỉ đồng tiền gửi và đề nghị TP giải phóng nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. Cần nhìn nhận việc huy động nguồn lực xã hội theo tinh thần khơi thông những nguồn nhân lực, tài lực đang bị kìm hãm. Có thể thấy ở đây bao gồm cả nguồn lực đầu tư công (cần thúc nhanh việc sửa một luật xử lý nhiều luật mà Chính phủ đang làm rất tốt hiện nay, giải tỏa tâm lý e dè, sợ sệt) và thúc đẩy, thí điểm các mô hình hợp tác công - tư, công - công, nhất là trong các dự án nhà ở xã hội, giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa. Cùng với đó là giải quyết tồn đọng của TP qua nhiều nhiệm kỳ liên quan đến ba "chủ thể" Thủ Thiêm, Ngân hàng SCB và chống ngập.
Khi "mạng" cơ chế được mở một cách mạnh mẽ, nó là "băng thông" rộng để chuyển tải, kết nối và cũng là động lực thúc đẩy hệ thống giao thông hạ tầng của TP - liên vùng. TP.HCM đang hội đủ các thành tố để chuyển mình cũng như nhu cầu phát triển.
Gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, những bước đi dò dẫm, mở đường từ TP đã trở thành các cơ chế, chính sách áp dụng cho cả nước. Hiện giờ TP.HCM tiếp mạch thí điểm với mô hình TP trong TP, hướng tới khu phố bờ Đông - Tây kết nối và hàng loạt định chế - thiết chế trung tâm tài chính, trung tâm hành chính công với ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Cái lõi vẫn là hướng tới đề án Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM để tiến kịp, tiến nhanh với tư cách là một "thành phố toàn cầu".
Theo ông Vũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với TP để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bền vững hơn nữa. Đây không chỉ là mệnh lệnh mà hơn thế nữa là sự gửi gắm, ưu tiên hàng đầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Có cơ chế đặc thù nhưng bộ, ngành vẫn đối chiếu với luật hiện hành
Theo ông Vũ, TP.HCM đã trải qua một năm thực hiện nghị quyết 98, bước đầu đem lại một số kết quả tích cực. Tuy nghị quyết này phân cấp cho TP.HCM quyết định nhiều nội dung, chủ trương nhưng quá trình triển khai vẫn phải tuân thủ quy trình, quy định theo phân cấp từ các bộ ngành trung ương cũng như các quy định của luật, nghị định chung. Do đó việc triển khai từng vụ việc vẫn chưa thể rút ngắn quy trình thủ tục, chưa minh định rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm của các cấp.
Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính cách đây chưa lâu, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã thẳng thắn nêu nghị quyết phân cấp ủy quyền cho TP.HCM với tinh thần "phân cấp tối đa" nhưng thực tế triển khai, một số cơ quan, bộ ngành vẫn cứ luẩn quẩn đi đối chiếu với pháp luật hiện hành để đảm bảo tính an toàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhóm việc kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận