UBND quận 10, TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính một cửa, một dấu công khai minh bạch - Ảnh: TỰ TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS PHẠM DUY NGHĨA - giảng viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam - chia sẻ sự ủng hộ với chương trình "Đột phá đổi mới quản lý TP.HCM" - 1 trong 4 chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025/2030 được đưa ra trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội đều có thể làm cho chính quyền lắng nghe người dân tốt hơn. Lãnh đạo TP phải lấy thông tin từ người dân tốt hơn để bằng cách đó tạo ra những sức ép liên tục, không ngừng nghỉ dội vào bộ máy quan chức để bộ máy này tốt hơn.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Thiết kế một mô hình quản trị phù hợp
* Điều rất hay như ông nói là gì, thưa ông?
- Một TP phát triển phải có một chính quyền phù hợp, có năng lực, đưa ra những chính sách phù hợp với TP và tổ chức thực hiện được những chính sách đó.
Nghiên cứu của Trường ĐH Fulbright Việt Nam cho thấy các đô thị lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... chỉ phát triển được khi được tập trung nguồn lực; có cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức chính quyền phù hợp. Từ đó đưa ra cơ chế chọn người lãnh đạo phù hợp, ép những người đó cạnh tranh dựa trên khả năng thực thi và đưa ra những chính sách phù hợp. Cuộc cạnh tranh đó thúc đẩy giải trình của những lãnh đạo đó trước người dân. Những tiền đề này tôi thấy đã được nghiên cứu và thể hiện trong dự thảo văn kiện.
* Ông có thể nói rõ hơn những tiền đề trọng tâm cho việc đổi mới quản lý chính quyền đô thị TP sắp tới?
- TP.HCM không thể phát triển được nếu không tăng nguồn lực. Tuy nhiên đến nay quyền tự chủ của TP bị hạn chế, làm cho những động cơ phát triển của doanh nghiệp và lãnh đạo TP chưa được xác định. Bởi vậy, nếu xác định thúc đẩy cho TP phát triển, trung ương cần tạo ra tự do hơn không gian tài chính công cho TP.
Trong đó tăng tỉ lệ giữ lại ngân sách và tăng quyền cho TP với tài sản mà TP có như khu vực doanh nghiệp rất năng động; quỹ đất đai, trong đó phần đất nông nghiệp có chuyển đổi sang công nghiệp, dịch vụ còn nhiều. Ngoài ra, nhà đất công nếu thống kê, sử dụng hiệu quả hơn sẽ tạo ra nguồn lực cho TP. Sự phát triển của TP không chỉ mang lại lợi ích cho TP mà còn cho cả nước.
Điều khó và phức tạp hơn là làm thế nào để thiết kế một mô hình quản trị TP phù hợp. TP.HCM khác với các nơi khác vì đông dân và đang tiến gần đến quy mô đại đô thị 13 - 14 triệu dân. Trong đô thị có cả những khu vực nông nghiệp.
Như vậy TP phải có sự tích hợp giữa các kiểu quản lý khác nhau. Những vùng nông thôn như Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh phải quản lý theo kiểu phù hợp với nông thôn. Trong khi khu vực tập trung như quận 1, 3, 5, 10 hay TP Thủ Đức sau này là những đô thị hoàn chỉnh phải có cách quản lý khác. Khái niệm quận nằm trong đô thị cần tập trung hơn.
Nhìn chung với tầm nhìn này, trong 5 năm nữa TP cần thảo luận đưa ra những sáng kiến gì mang tính đột phá để thiết kế được mô hình quản trị đô thị phù hợp với tiềm năng, tầm nhìn và đặc trưng của TP.
Tạo không gian cho những cải cách đột phá
* Việc thiết kế mô hình phù hợp với tiềm năng, tầm nhìn và đặc trưng của TP cần tập trung điểm nào, thưa ông?
- Nói đột phá nhưng có dám làm hay không phụ thuộc vào sự bật đèn xanh từ trên. Nếu muốn đột phá phải được trung ương cho phép, đây là một điều kiện an toàn cho lãnh đạo TP trong tương lai. Nhiệm kỳ tới, những người dẫn dắt TP phải được đảm bảo an toàn về chính trị, pháp lý cho những đột phá của họ bởi đột phá nghĩa là vượt ra khỏi những khuôn khổ chung, tạo ra những thay đổi chưa từng có.
Nói vậy không phải TP không có khả năng cải cách trong quản lý. Hiến pháp và luật không thiếu không gian để TP thúc đẩy cải cách dù không mang tính đột phá hoàn toàn. Việc cải cách sẽ mang tính từ từ, chỗ nào cải cách được thì làm. Không gian cải cách đó vẫn có cho những lãnh đạo có tâm.
* Ông có thể ví dụ không gian cải cách đó?
- Để đổi mới, đột phá tạo ra chính quyền đô thị quản trị tốt phải nghĩ đến cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, không bị lạm dụng. TP có đề án xin bỏ HĐND cấp quận và phường, vậy nếu bỏ HĐND các cấp này sẽ làm sao cho cơ quan dân cử TP hoạt động hiệu quả hơn? Việc kiểm soát quyền lực của chủ tịch quận thế nào?...
Bởi vậy, trước khi bỏ hãy nghĩ đến những thiết chế giám sát quyền lực, trong đó tăng cường quyền lực cho đại biểu được giám sát, yêu cầu cơ quan nhà nước báo cáo, giải trình và thúc đẩy cơ quan đó chịu trách nhiệm trước dân.
TP.HCM cũng có khu vực doanh nhân hết sức năng động, giỏi và khả năng dẻo dai chống đỡ. TP cũng là khu vực đa thông tin, việc chia sẻ thông tin rất tốt, trình độ dân trí cao. Ngoài ra, TP có 80 - 90 trường đại học, trong đó có những trường tổ chức quản trị tốt nhất cả nước.
Tiềm năng của lãnh đạo TP rất lớn khi lãnh đạo một đô thị mà tất cả những tiền đề về hạ tầng, về văn hóa, xã hội khác hẳn nhiều nơi khác và có rất nhiều nguồn tài nguyên có thể sử dụng, khai thác.
Cơ chế cho lãnh đạo các lĩnh vực thi thố tài năng
* Trong lúc chờ trung ương "bật đèn xanh", TP cần làm gì để tận dụng hết những nguồn lực, tiềm năng đã có, thưa ông?
- Xưa nay nghĩ đến thúc đẩy cải cách nền hành chính công mình loay hoay nghĩ đến giảm biên chế, tinh giản bộ máy. Trong khi thời đại này là thời đại tương tác rất nhanh thông qua những công cụ thông minh, tương tác cao. Trí khôn của TP không nằm ở một ông công chức, mà nằm ở hệ thống dữ liệu được trải, đẩy ra thông qua hành vi của người dân.
Ví dụ điện thoại thông minh, Internet, mạng xã hội đều làm cho chính quyền lắng nghe người dân tốt hơn. Lãnh đạo TP phải lấy thông tin từ dân tốt hơn để bằng cách đó tạo ra những sức ép liên tục, không ngừng nghỉ dội vào bộ máy quan chức để làm cho bộ máy này tốt hơn. Nếu chính quyền TP tự mở Facebook để dân nói về ngập nước hay rác thì chỉ cần một buổi ngồi lắng nghe, lãnh đạo TP có thể nắm được rất nhiều thông tin hữu ích, thực tế.
Nguồn dữ liệu tương tự cần được khai thác để tạo nên sức ép nhằm tổ chức được những dịch vụ công tốt hơn. Ví dụ muốn sống tử tế thì TP phải khô, sạch hay các bệnh viện phải được tổ chức phục vụ người dân tốt hơn. Những định hướng này không liên quan gì đến việc có được trên "bật đèn xanh" hay không, mà nằm ở tâm và tầm của lãnh đạo.
* Sức ép liên tục, không ngừng nghỉ dội vào bộ máy quan chức làm cho bộ máy này tốt hơn cần được hiểu như thế nào cho đúng, thưa ông?
- Đột phá nằm ở chỗ phải xây dựng một bộ máy phù hợp và có những cách thức để người dân góp ý như khách hàng của chính quyền. Khác với nơi khác, TP phải khẳng định không phải giảm biên chế, cắt giảm đầu việc, mà phải có một khu vực công, nguồn lực bộ máy công phù hợp. Nhìn vào bình quân đầu người cần phục vụ không những không cắt giảm, mà số lượng công chức của TP nhiều khi còn phải tăng.
Quan trọng là lãnh đạo TP phải tạo ra sức ép để những người đứng đầu những lĩnh vực quản lý công có sự an tâm về chính trị. Đấy là cải cách nền chính trị Việt Nam cần thúc đẩy. Cụ thể mở cửa cho sức ép của người dân có tiếng nói, mở cửa cho những lãnh đạo phụ trách từng lĩnh vực thi thố tài năng. Anh nào giải được bài toán với chi phí hợp lý, dân chúng hài lòng hơn thì anh đó được ban thưởng cho những thành tựu của họ để họ phát triển tiếp về con đường sự nghiệp cá nhân. Một nền chính trị như vậy là một nền chính trị tử tế, vì dân.
Để người tài hứng thú phục vụ trong nền hành chính công
TP.HCM khác với các đô thị khác, khi mà thị trường tư cung cấp rất nhiều công việc với mức thu nhập hấp dẫn. Những người có năng lực có nhiều lựa chọn hơn việc chọn phục vụ trong khu vực công. Những người lãnh đạo TP nếu không có tâm sẽ không bao giờ có được người tài trong hệ thống quyền lực công, mà chỉ có một số người cơ hội vào nắm.
Nếu bộ máy chỉ hấp dẫn những người cơ hội thì công đi chữa những gì họ phá còn hơn thành tựu họ làm cho TP. Bởi vậy TP cần những tính toán trả lương tương xứng cho những bộ phận dịch vụ hành chính công để giữ được người giỏi. Đồng thời thúc đẩy người giỏi cạnh tranh bằng cách ban thưởng, bổ nhiệm thăng tiến khi họ có thành tựu. Đây là bài toán nhiều người cũng giải nhưng hướng làm được thì mới mang tính đột phá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận