Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Ngọc Danh, trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho hay 460 danh mục thuốc gồm hơn 400 danh mục thuốc hóa dược, tân dược và gần 60 danh mục thuốc đông y do chính các trạm y tế đề xuất và căn cứ theo nhu cầu thực tế của người dân.
Bắt đầu từ những cái khó của trạm y tế
Ông Đào Duy Đông, trưởng Trạm y tế phường 5, quận Gò Vấp, cho biết hiện tại trạm có 149 đầu thuốc, phần lớn có thể cung cấp ổn định cho người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, trạm đã khám và cấp thuốc cho hơn 400 trường hợp. Hiện nay, trạm còn gặp khó khăn như BHYT chưa thể thông tuyến nên không thể cấp thuốc cho các trường hợp đã đăng ký BHYT tại các tuyến trên.
Với các trường hợp có bệnh nền mãn tính như tiểu đường, huyết áp thì người bệnh cũng chưa thể nhận thuốc tại các trạm y tế.
Tại huyện Bình Chánh, bác sĩ Phạm Văn Tuấn, giám đốc Trung tâm y tế huyện, nêu khó khăn lớn nhất của các trạm y tế trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay là dự trù cơ số thuốc BHYT.
Để đủ danh mục thuốc, khoa dược của trung tâm vẫn dự trù khi các trạm y tế chưa làm được. "Đấu thầu thuốc khó ở chỗ khi cần thì không có ngay, khi mua được thì đã qua thời gian cần, lại còn phải lo về hạn dùng, hạn đấu thầu nên trạm y tế không dám dự trù nhiều. Tình trạng này lặp lại nhiều năm", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Đại diện một trạm y tế thuộc TP Thủ Đức cho biết hiện nay thuốc BHYT tại trạm còn hạn chế. Chính điều này trạm y tế gặp khó khăn khi bệnh nhân đến thăm khám bằng BHYT vì không có thuốc.
Nhiều người thường xuyên đến trạm y tế than phiền không có thuốc phải vất vả đi lên tuyến trên, trong khi đó trạm y tế đã có đến hai bác sĩ, cơ sở vật chất khang trang, tiện đi lại cho người bệnh.
"Hiện tại định kỳ, trạm y tế sẽ triển khai thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi, đa phần họ mắc các bệnh mãn tính nhiều. Thế nhưng khi khám xong, do không có thuốc tại trạm các bác sĩ đành kê đơn để người bệnh ra ngoài mua thuốc hoặc cầm BHYT lên các tuyến bệnh viện quận, huyện lấy thuốc, rất vất vả", vị này thông tin.
Có nhiều thuốc, trạm y tế sẽ hút được bệnh nhân
Nghe tin Sở Y tế TP.HCM triển khai các giải pháp đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho y tế cơ sở, ông Phạm Tấn Hoan, trưởng Phòng y tế quận Phú Nhuận, chia sẻ rằng tin này rất vui.
Khi giải pháp này thành hiện thực, trạm y tế sẽ được phân bổ nhiều thuốc hơn, góp phần giải quyết bài toán thu hút người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế.
Theo ông Hoan, địa bàn quận Phú Nhuận hiện nay có 13/13 trạm y tế đã triển khai thăm khám BHYT cho người dân nhưng hiện nay do số lượng thuốc ít nên người dân đến khám rất ít.
Thay vào đó, người bệnh sẽ lựa chọn các bệnh viện tuyến quận, huyện, nhất là người bệnh mắc các bệnh mãn tính dẫn đến quá tải tuyến trên, trong khi đó tuyến y tế cơ sở lại vắng.
Đại diện Trung tâm Y tế quận 10 cũng khẳng định khi thuốc được cung ứng nhiều hơn về các trạm y tế, chắc chắn số lượng bệnh nhân sẽ đến thăm khám nhiều hơn, đặc biệt với các trạm y tế khu vực ngoại thành nếu những nơi này đã có sẵn cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ.
Tương tự, theo ông Đào Duy Đông, khi trạm y tế có hơn 460 danh mục thuốc BHYT, tuyến trên sẽ giảm tải được phần nào áp lực.
Thực chất, người bệnh khi được cấp thuốc tại trạm cũng cùng một loại thuốc nhưng sẽ tiện hơn rất nhiều, đỡ mất công đi xa và chờ đợi hơn khi so với việc phải lên tuyến trên.
Bổ sung thêm việc thu hút cho trạm y tế, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng song song với việc bổ sung danh mục thuốc BHYT cho trạm y tế, ngành y tế cần chú ý nâng cao chuyên môn, trình độ năng lực nhân viên y tế.
Như vậy, việc nâng cao năng lực y tế cơ sở mới có ý nghĩa lâu dài, người bệnh sẽ chọn y tế cơ sở là nơi khám chữa bệnh ban đầu, quản lý bệnh không lây nhiễm...
Giải quyết nhiều khó khăn khác
Là một trong hai bệnh viện được Sở Y tế TP.HCM giao làm bên mời thầu cho gói thầu hơn 460 danh mục thuốc trên, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết trước đó trung tâm y tế không thể tự đấu thầu, mua sắm thuốc được vì số lượng nhỏ, lẻ các nhà thầu không tham dự.
Chính vì vậy, các trạm y tế không đủ thuốc, dẫn đến người dân không muốn đến trạm y tế thăm khám. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ như một vòng xoắn khiến tuyến y tế cơ sở không phát triển được. Chính vì vậy Sở Y tế đã có kiến nghị cho phép đấu thầu tập trung để mua sắm thuốc cho các trạm y tế trong TP.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, chia sẻ đã thống nhất cùng Sở Y tế TP xây dựng danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế, tổ chức đấu thầu tập trung.
Thực tế thời gian qua, các trung tâm y tế ngoài việc chưa đủ năng lực và gặp nhiều khó khăn khi tự tổ chức đấu thầu như xác định cơ số thuốc cần, còn tập trung lĩnh vực phòng chống dịch, số lượng thuốc của trạm y tế cần còn ít nên nhà thầu không mặn mà hoặc từ chối.
Ông Lê Ngọc Danh bổ sung thêm thông tin: khảo sát thấy có nhiều người cao tuổi mắc bệnh mãn tính không lây thích y học cổ truyền nên sở đã bổ sung gần 50 loại và giao cho Bệnh viện Y học cổ truyền TP đứng ra đấu thầu tập trung.
Cũng theo ông Danh, khi các trung tâm y tế đơn lẻ lựa chọn nhà thầu để mua sắm thuốc thì sẽ không đồng đều và khó thống nhất về giá nên việc có hai bệnh viện (Hùng Vương và Y học cổ truyền - PV) đứng ra đại diện sẽ giúp các trung tâm y tế đảm bảo đủ các loại thuốc mà người bệnh cần dùng đến nhiều.
Với những loại thuốc nhỏ lẻ mà trung tâm y tế cần thì vẫn có thể tự kiếm nhà thầu, nếu gặp khó khăn thì liên hệ Sở Y tế để được hướng dẫn. Hình thức đấu thầu này cũng theo Luật Đấu thầu và được quỹ BHYT thanh toán.
Lộ trình TP.HCM cung ứng thêm thuốc cho trạm y tế
- Có 324 danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả tại trạm y tế, theo thông tư 30 của Bộ Y tế.
- Danh mục này chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu người bệnh, công tác mua sắm khó khăn (lựa chọn nhà thầu, số lượng mặt hàng...).
- Sở Y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc cho y tế cơ sở ngay khi Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
- Nâng tổng hợp danh mục thuốc cho y tế cơ sở lên hơn 460, trong đó: hơn 400 danh mục tân dược, hóa dược... và gần 60 danh mục thuốc cổ truyền.
- Giao Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Y học cổ truyền làm bên mời thầu, lựa chọn nhà thầu.
- Dự kiến tháng 9-2024, TP.HCM bắt đầu cung ứng hơn 460 danh mục thuốc cho các trung tâm y tế, trạm y tế.
Đấu thầu liên tục, chủ động điều động
Ngay từ khi Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2024, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch mua sắm thuốc chung cho tuyến y tế cơ sở. Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và thống nhất triển khai thực hiện cho các trung tâm y tế.
TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu liên tục nên các trung tâm y tế không lo thiếu thuốc và cũng chủ động điều động thuốc từ đơn vị dư thuốc sang đơn vị thiếu thuốc, tránh được tình trạng lãng phí.
Hà Nội: cần phát triển đồng bộ y tế cơ sở
Một trạm trưởng trạm y tế xã tại Hà Nội cho hay hiện trạm y tế được cấp gần 300 đầu thuốc, trong đó chủ yếu là các thuốc thông thường, kháng sinh và thuốc điều trị các bệnh mãn tính.
Bà cho hay nếu được mở rộng danh mục thuốc cũng sẽ tạo điều kiện cho người bệnh được chăm sóc từ tuyến cơ sở, tránh quá tải cho tuyến trên. Tuy nhiên theo bà, hiện số lượng thuốc BHYT tại trạm y tế tương đối đảm bảo nhu cầu và năng lực điều trị của trạm y tế.
"Tại Hà Nội việc di chuyển đến các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế khá thuận lợi nên hầu hết hiện trạm y tế không tiếp nhận cấp cứu hay thăm khám ban đầu. Công việc phần lớn phụ trách y tế dự phòng như tiêm vắc xin, phòng chống dịch, phát thuốc BHYT với một số bệnh lý như cao huyết áp...
Vì vậy, nếu cấp thêm thuốc BHYT cho trạm y tế có thể không quá mang lại hiệu quả. Nếu muốn nâng cấp y tế cơ sở, không phải chỉ cần cấp thuốc mà phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực.
Trạm y tế có thể được cấp thêm nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường, trong khi lại không thể thực hiện các xét nghiệm lâm sàng thì cũng không thể kê đơn, phát thuốc cho người bệnh. Bởi vậy, việc đầu tư nâng cấp đồng bộ là rất cần thiết", vị này cho hay.
Một chuyên gia công tác trong lĩnh vực BHYT cũng cho rằng việc cấp thuốc đến trạm y tế không khó, tuy nhiên khó khăn nằm ở việc vận hành, sử dụng danh mục thuốc.
Ông nói rõ hiện nay các trạm y tế tại Hà Nội về cơ bản không có đủ các trang thiết bị và nhân lực có chuyên môn để mở rộng việc khám chữa bệnh.
Đà Nẵng: trạm đủ thuốc trong danh mục BHYT chung
Một trạm trưởng trạm y tế ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho hay nhu cầu thuốc của người dân rất cao.
Tuy nhiên các thuốc mà y sĩ ở trạm được cấp như cao huyết áp, đái tháo đường thì hiện vẫn đáp ứng đủ. Chỉ riêng thuốc cho bệnh nhân tâm thần nằm trong chương trình y tế quốc gia được cấp miễn phí hiện vẫn đang thiếu.
Ông Ngô Văn Đình Hoài, giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, cho hay vì đặc thù có nhiều trạm y tế gần bệnh viện, bệnh nhân sẽ lên thẳng trung tâm y tế hay bệnh viện chứ không qua trạm y tế.
Nhu cầu người bệnh không cao nên nếu nhận thuốc trong danh mục BHYT về sẽ để mà không dùng kịp, hết hạn sử dụng rất phí, không phù hợp.
Ông Hoài cũng cho hay hiện các trạm y tế đã đầy đủ cơ số thuốc để phát cho dân. Các trạm cũng như các khoa của trung tâm y tế, họ cần thuốc gì thì trung tâm y tế quận sẽ mua thuốc đó để đáp ứng. Các trạm không có nhu cầu họ sẽ không đề xuất.
Cần Thơ: danh mục thuốc khác nhau tùy năng lực từng trạm
Theo Sở Y tế Cần Thơ, danh mục thuốc BHYT tại các trạm y tế tùy theo nhu cầu sử dụng của trạm. Trạm sẽ tổng hợp nhu cầu gửi về trung tâm y tế quận huyện, trung tâm tổng hợp để tham gia đấu thầu tập trung của TP.
Vì vậy các trạm y tế có lượt khám chữa bệnh nhiều, tổ chức nhiều dịch vụ kỹ thuật thì danh mục thuốc BHYT cũng sẽ nhiều và đa dạng hơn. Sở Y tế Cần Thơ cho hay theo thông tư 20/2022 của Bộ Y tế, danh mục thuốc BHYT ở trạm y tế thuộc tuyến 4 có trên 400 hoạt chất.
Tuy nhiên ở từng địa phương, từng trạm số danh mục, hoạt chất sẽ khác nhau do lưu lượng khám chữa bệnh khác nhau tùy theo nhân lực, cơ sở vật chất, dịch vụ kỹ thuật.
Sở Y tế sẽ luôn chỉ đạo giám sát để luôn đảm bảo danh mục thuốc sử dụng tại trạm y tế theo thông tư 20 của Bộ Y tế, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT.
Danh mục theo thuốc, hoạt chất theo thông tư 20 có nhiều loại, chia làm nhiều tuyến tùy theo hạng bệnh viện, cơ sở y tế. Nên cùng một loại vitamin, hay thuốc tim mạch, tiểu đường... người bệnh vẫn có thể được nhận tại tuyến trạm y tế, nhưng có khi loại thuốc không cùng loại được nhận khi khám tại bệnh viện tuyến huyện, tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận