Sáng 15-7, Sở Y tế TP.HCM công bố kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023, theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành (phiên bản 2.0).
Điểm trung bình tăng 1,1% so với năm ngoái
Theo đó có 120 bệnh viện được đánh giá chất lượng, bao gồm: 51 bệnh viện công lập, 63 bệnh viện ngoài công lập, 4 trung tâm y tế có giường bệnh, 2 bệnh viện thuộc ngành (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa Bưu điện).
Có 41 bệnh viện đạt mức chất lượng khá trở lên (điểm chất lượng trung bình trên 4,0 theo thang điểm 5,0), chiếm 1/3 tổng số cơ sở được đánh giá, tăng 10,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên vẫn còn 2 cơ sở có mức chất lượng dưới trung bình (điểm chất lượng trung bình dưới 2,5).
Có 2 bệnh viện không tham gia đánh giá là Bệnh viện Đa khoa Gia Định (do thời gian hoạt động còn dưới 12 tháng) và Bệnh viện Giao thông vận tải (do đã được Cục Y tế, Bộ Giao thông vận tải đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023).
Qua đánh giá cho thấy điểm trung bình chung trong năm 2023 là 3,71 điểm, tăng 1,1 % so với năm 2022 (3,67 điểm).
Trong đó, điểm chất lượng trung bình của khối bệnh viện TP là 4,2 điểm, tăng 2,7% so với năm 2022 (4,09 điểm). Điểm trung bình chất lượng đối với khối bệnh viện quận, huyện, trung tâm y tế có giường nội trú là 3,56 điểm, tăng 1,1% so với năm 2022 (3,52 điểm). Điểm trung bình chất lượng đối với khối tư nhân là 3,48 điểm, giảm nhẹ so với năm 2022 (3,49 điểm).
"Điểm mặt" các bệnh viện đứng cuối bảng xếp hạng
Có 41/120 (34,2%) bệnh viện có điểm chất lượng đạt từ 4 trở lên, 71/120 (59,2%) bệnh viện có điểm chất lượng từ 3-4, còn lại 8/120 (6,7%) bệnh viện có điểm từ 2-3.
5 bệnh viện dẫn đầu bảng xếp hạng điểm chất lượng bệnh viện năm 2023 gồm: 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ), 2 bệnh viện đa khoa (Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định) và 1 bệnh viện chuyên khoa nhi (Bệnh viện Nhi đồng 1).
8 đơn vị có điểm trung bình từ 2-3 (đứng cuối bảng xếp hạng) gồm: Trung tâm Y tế quận 10, các bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn, chuyên khoa mắt Cao Thắng, chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc Kim Hospital, chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ AVA Văn Lang, chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean - Sao Hàn.
Theo sở, chất lượng các bệnh viện trên địa bàn TP đã cải tiến ở tất cả lĩnh vực từ năm 2022 đến năm 2023. Trong năm 2023, nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực hướng đến người bệnh đạt điểm trung bình cao nhất, và thấp nhất là hoạt động chuyên môn.
Năm 2023 nhóm tiêu chí thuộc lĩnh vực hướng đến người bệnh đạt điểm trung bình cao nhất (4,25/5), tăng 2,1% so với năm 2022.
Nhìn chung kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023 có nhiều cải tiến. Có 12 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 (trên thang điểm 5), tăng 38% so với năm 2022, 29 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 - 4,5. Có 8 bệnh viện đạt điểm trung bình dưới 3, giảm 11% so với năm 2022.
Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 1,1% so với năm 2022, nhóm bệnh viện TP tăng 2,4% so với năm 2022 và nhóm bệnh viện quận, huyện tăng 0,9% so với năm 2022.
Bên cạnh những cải tiến về chất lượng và ưu điểm của các bệnh viện, Sở Y tế TP ghi nhận các bệnh viện cần đầu tư, quan tâm phát triển như hoạt động dinh dưỡng - tiết chế tại các bệnh viện chuyên khoa, hoạt động nghiên cứu khoa học và các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động chuyên môn.
Chất lượng bệnh viện được đánh giá qua các tiêu chí nào?
Những nội dung chính trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2023 được Sở Y tế TP.HCM đánh giá gồm: bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, tiêu chí an toàn phẫu thuật, tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, sở còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về điều kiện hoạt động khám sức khỏe; thực hành tốt bảo quản thuốc; mức ứng dụng công nghệ thông tin; hoạt động quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh; hoạt động liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử phục vụ đề án 06.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận